Xi măng pooclăng là gì? Có bao nhiêu loại xi măng pooclăng trên thị trường?
Xi măng có lẽ là nguyên vật liệu không thể thiếu trong thi công xây dựng. Trong đó, xi măng pooclăng là loại vật liệu xây dựng được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Vậy bạn đã biết xi măng pooclăng là gì và có bao nhiêu loại hay chưa?
Nếu chưa, đây sẽ là bài viết bạn không thể bỏ qua.
1. Xi măng pooclăng là gì?

Xi măng pooclăng hay xi măng Portland (PC), là loại vật liệu được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới, ứng dụng để làm bê tông, vữa, hồ. Đây là loại vật liệu có thành phần chủ yếu là clinker (chiếm 95 – 96%) và thạch cao (chiếm 4 – 5%).
Ngoài ra, khi cho thêm các chất phụ gia khác vào thành phần xi măng pooclăng thường như: Tro than, xỉ lò cao, puzolan tự nhiên… sẽ cho ra sản phẩm là xi măng pooclăng hỗn hợp (PCB).
Theo đó, xi măng pooclăng hỗn hợp có khả năng chịu mặn, chịu phèn tốt. Vậy nên, nó rất thích hợp để sử dụng cho các công trình ngăn mặn, công trình thoát lũ ra biển,…
2. 4 loại xi măng pooclăng trên thị trường
Dựa trên tiêu chuẩn chung của quốc tế, Việt Nam đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về xi măng pooclăng như:
- TCVN 2682: 1999: Xi măng pooclăng.
- TCVN 5691:1992: Xi măng pooclăng trắng.
- TCVN 6067:1995: Xi măng pooclăng bền sunfat.
- TCVN 6069:2007: Xi măng pooclăng ít tỏa nhiệt.
- TCVN 6260:2009: Xi măng pooclăng hỗn hợp.
Cụ thể:
2.1. Xi măng pooclăng trắng

Đây là loại xi măng được sản xuất từ đất sét trắng và đá vôi. Hầu như không có các oxit sắt, oxit tạo màu và oxit mangan. Xi măng pooclăng trắng được nung bằng nhiên liệu có ít hàm lượng tro bụi (khí đốt và dầu) và thường dùng bi sứ để nghiền nhằm hạn chế lẫn tạp chất bụi sắt.
Theo độ bền nén, xi măng pooclăng trắng được chia là 3 mác: PCW25, PCW30, PCW40. Trong đó, các chỉ số 25, 30, 40 là thời gian tối đa chịu nén của các mẫu sau 28 ngày đêm bảo dưỡng. Và PCW ký hiệu xi măng pooclăng trắng.
Loại xi măng này thường được dùng để chế tạo vữa granito, vữa trang trí và sản xuất gạch hoa,….
2.2. Xi măng pooclăng puzolan

Đây là loại xi măng được sản xuất bằng cách nghiền mịn hỗn hợp clinker với phụ gia hoạt tính puzolan và 1 lượng thạch cao phù hợp. Tỷ lệ pha clinker được quy định dựa trên bản chất của phụ gia hoạt tính puzolan, thường từ 15 – 40% khối lượng.
Theo độ bền nén, xi măng pooclăng puzolan được chia làm 3 mác: PCPUZ20, PCPUZ30; PCPUZ40. So với xi măng pooclăng thường, loại xi măng này khi thủy hóa sẽ tỏa ra lượng nhiệt ít hơn, khả năng chống ăn mòn cũng tốt hơn.
2.3. Xi măng pooclăng bền sunfat
Đây là sản phẩm được nghiền mịn từ clinker xi măng bền sunfat và thạch cao. Theo đó, clinker xi măng pooclăng bền sunfat được chế tạo như clinker xi măng pooclăng thường. Song thành phần khoáng được quy định khắt khe hơn. Đặc biệt là phải giảm tối thiểu thành phần C3A.
Xi măng pooclăng bền sunfat gồm 2 nhóm là:
- Xi măng pooclăng bền sunfat thường (PCS 30, PCS 40)
- Xi măng pooclăng bền sunfat cao (PCHS 30, PCHS 40)
Tương tự như xi măng pooclăng puzolan, loại xi măng này khi thủy hóa sẽ tỏa ra lượng nhiệt ít hơn, khả năng chống ăn mòn cũng tốt hơn xi măng pooclăng thường.
2.4. Xi măng pooclăng ít tỏa nhiệt
Đây là sản phẩm được nghiền mịn từ clinker xi măng ít tỏa nhiệt và thạch cao. Theo đó, clinker xi măng pooclăng ít tỏa nhiệt được chế tạo như clinker thường. Nhưng thành phần khoáng, hóa được quy định theo TCVN 6069-1995.
Loại xi măng thường được dùng để thi công các công trình giao thông, thủy điện, thủy lợi, công trình có thể tích bê tông khối lớn.
2.5. Xi măng pooclăng xỉ lò hạt cao

Đây là loại xi măng được sản xuất bằng cách nghiền mịn clinker xi măng pooclăng với xỉ hạt lò cao và 1 lượng thạch cao phù hợp. Hoặc trộn xi măng pooclăng thường với xỉ hạt lò cao đã nghiền mịn.
Xi măng pooclăng xỉ hạt lò cao có lượng nhiệt tỏa ra ít nên thường được sử dụng để xây dựng các công trình có thể tích bê tông khối lớn.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp đủ thông tin giúp bạn hiểu được xi măng pooclăng là gì và các loại xi măng pooclăng trên thị trường. Đừng quên tiếp tục theo dõi Nhà Đất Mới để có thêm nhiều tư vấn xây dựng hiệu quả.
Phương Nguyễn
Nguồn: nhadatmoi.net