WHO cảnh báo đừng trông chờ vào văcxin Covid-19, Việt Nam sẵn sàng “sống chung” với dịch

Có khả năng con người sẽ phải phải thích nghi và sống chung với virus corona. Bởi “không có gì đảm bảo sẽ sớm có được loại văcxin hiệu quả”, thông điệp mang tính cảnh báo do ông David Nabarro – đặc phái viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
1. Miễn dịch chống lại virus corona cũng giống như miễn dịch với bệnh cảm lạnh
Giáo sư Nabarro khuyên công chúng không nên đặt tất cả hy vọng vào một loại văcxin ngừa Covid-19, bởi rất khó để phát triển nó. Điều duy nhất con người có thể làm trong tương lai sắp tới là thích nghi và tìm cách sống chung với mối đe dọa thường trực này.
Điều đó đồng nghĩa với việc phải kịp thời cách ly người có triệu chứng bệnh, người tiếp xúc gần, bảo vệ người lớn tuổi, củng cố lại hệ thống y tế,…
Đồng quan điểm như trên, giáo sư Ian Frazer – nhà miễn dịch học nổi tiếng người Úc cũng cho rằng có một số lý do khiến khả năng tìm ra văcxin ngừa Covid-19 là không chắc chắn.
Giáo sư Frazer giải thích, mặc dù đang có hơn 100 nhóm nghiên cứu trên toàn cầu đang thử nghiệm văcxin phòng chống virus corona. Nhưng chưa nhóm nào phân tích được mô hình tấn công virus hiệu quả, “miễn dịch chống lại loại virus này khá giống cách miễn dịch với bệnh cảm lạnh”, ông cho biết.
Ông Frazer cũng nêu thêm “Rất khó phát triển văcxin ngừa các bệnh về đường hô hấp. Bởi vì virus xâm nhập phần ngoài của cơ thể và sẽ cố tấn công các tế bào bên trong. Khi virus xâm nhập thành công, hệ miễn dịch mới bắt đầu kích hoạt để chống lại.
Nếu hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh, nó có thể sẽ làm tổn thương phổi. Do đó, chúng ta phải rất thận trọng khi chọn vị trí tấn công virus bởi văcxin cũng có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn”.

2. Việt Nam tuyên bố sẵn sàng “sống chung an toàn” với Covid-19
Các bộ, ngành khẩn trương bổ sung quy định để sẵn sàng “chung sống an toàn” với Covid-19, nhưng tuyệt đối không chủ quan. Nội dung này đã được đề cập trong cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 sáng 20/4.
Tại buổi hợp, các ý kiến đều cho rằng phải có sự điều chỉnh kịp thời để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh. Phải tận dụng thời cơ kiểm soát được tình hình để phát triển sản xuất, kinh doanh. Mọi ngành, nghề, lĩnh vực hoạt động đều phải có người đứng ra chịu trách nhiệm.
Về khám chữa bệnh an toàn, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết hiện các cơ sở y tế đã tập trung thực hiện biện pháp phân luồng khi tiếp đón người đến khám, chữa bệnh. Đồng thời, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho các y bác sĩ, coi tất cả những người đến khám đều có nguy cơ lây nhiễm.
Bộ cũng đã thành lập 02 đoàn thanh tra để giám sát, kiểm tra các bệnh viện từ Trung ương xuống tới địa phương. Đồng thời, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ đầy đủ yêu cầu về đảm bảo an toàn xã hội.
Về hướng dẫn kinh doanh, sản xuất an toàn cho các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng được quy trình hoạt động, đi lại, làm việc, đảm bảo khoảng cách an toàn.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Công Thương “ra văn bản chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn”. Trong đó, đối với loại hình công xưởng, nhà máy cần hướng dẫn chi tiết từ lúc công nhân ra vào, ăn uống, giao nhận ca cho đến khi tan làm và đưa đón.
Dựa vào thực tế, nhiều ý kiến cho rằng các đối tượng gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo tuân thủ đầy đủ hướng dẫn, quy định kinh doanh an toàn khi hết giãn cách xã hội là các lao động tự do, cửa hàng nhỏ lẻ, người bán rong,…
Các tỉnh, thành chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định phòng, chống dịch đối với chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng nhỏ lẻ (như cửa hàng cắt tóc, sửa xe máy), người bán hàng rong, lao động tự do,… trên địa bàn.

Về đi lại an toàn, Thứ trưởng Giao thông Vận tải cho biết sẽ rà soát lại các hướng dẫn trước đây trong lĩnh vực vận chuyển bằng xe khách liên tỉnh, hàng không, xe taxi,… Đồng thời, cập nhật liên tục các biện pháp phòng, chống mới theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế.
Theo đó, Bộ Thông tin truyền thông cũng sẽ góp sức với Bộ Giao thông để đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông minh, giám sát sự chấp hành quy định phòng, chống dịch trên các phương tiện giao thông. Bao gồm: Lái xe phải đeo khẩu trang, khử khuẩn phương tiện sau khi khách xuống xe, chở đúng số lượng hành khách để kiểm soát dịch bệnh,…
Về vấn đề đi học an toàn, Thứ trưởng Giáo dục Đào tạo cho biết, bên cạnh các hướng dẫn đã được ban hành trước đây, Bộ sẽ phối hợp với ngành y tế để bổ sung các biện pháp kịp thời. Bao gồm: Học sinh, sinh viên phải đeo khẩu trang khi đi học, ngay cả trong lớp học, đảm bảo khoảng cách an toàn cho học sinh bằng cách chia nhỏ các lớp, học theo ca.
Bộ cũng ra hướng dẫn về khung chương trình học để các địa phương có căn cứ triển khai, kết hợp học tại lớp và học trực tuyến trong trường hợp cần thiết.