Thị trường bất động sản sẽ có chu kỳ tăng giá mới?
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản vẫn tăng trưởng trong quý IV/2020, cho thấy thị trường vẫn diễn biến tích cực và không có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư đột biến khác.
Thực tế, nhu cầu tín dụng chung suy giảm do dịch Covid-19, nhưng tín dụng bất động sản vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng.
1. Lãi suất mua nhà thấp nhất trong 10 năm
Từ cuối năm 2020, nhiều ngân hàng đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay mua nhà. So với thời điểm cuối 2019, lãi suất cho vay mua nhà cố định năm đầu tiên đã thấp hơn. Theo nhận định của các chuyên gia ngân hàng, lãi suất thời điểm hiện tại đang có xu hướng giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây.
Đến nay, lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động ngân hàng vẫn có xu hướng tiếp tục giảm. Theo đó, nhiều đơn vị cho rằng, lãi suất vay mua nhà sẽ tiếp tục thấp trong 2021.
Theo thống kê của của Công ty chứng khoán VNDirect, kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 1/2020, Ngân hàng Nhà nước đã 03 lần cắt giảm các lãi suất điều hành nhằm giúp nền kinh tế tự vực dậy. Việc này đã giúp giảm chi phí lãi vay cho khách hàng và giảm áp lực chi phí dự phòng cho các ngân hàng.
Chính vì vậy, các ngân hàng đã đưa ra các gói kích cầu như giảm lãi suất cho vay, miễn/giảm lãi nhằm đảo ngược nhu cầu vốn thấp của người mua nhà.
Tính đến tháng 11/2020, lãi suất vay mua nhà điều chỉnh từ các ngân hàng trong nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm từ, 1,8 điểm % xuống 9,5%. Trong bối cảnh áp lực lạm phát đang hạ nhiệt, nhiều chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì các chính sách tiền tệ phù hợp trong năm 2021.
2. Lãi suất càng thấp, đầu tư càng tăng
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản cho hay, lãi suất vay mua nhà có tác động kích cầu đáng kể không chỉ với người mua ở thực mà cả với nhà đầu tư. Bởi lẽ, khi lãi suất cao, nhiều nhà đầu tư bất động sản không dám sử dụng đòn bẩy tín dụng, nhưng lãi suất giảm lại kích thích nhóm này.
Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động giảm, người dân cũng sẽ hạn chế gửi tiền vào ngân hàng mà đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực khác. Trong đó, lựa chọn hàng đầu vẫn là lĩnh vực bất động sản. Điều này góp phần thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường bất động sản.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Landora Group dự đoán, thị trường bất động sản sẽ có chu kỳ tăng giá mới, kéo dài từ năm 2021 – 2023. Nguyên nhân là do 03 yếu tố cơ bản.
– Thứ nhất, giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản đang có 02 nguồn vốn lớn là trong nước và đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang trở thành điểm đến có sức hấp dẫn đặc biệt đối với đầu tư thế giới. Làn sóng dịch chuyển các công xưởng từ Trung Quốc đang khiến Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
-Thứ hai, sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi các nhà đầu tư có thời gian “nghỉ ngơi”, tận hưởng cuộc sống, họ mới nhận ra rằng, không thể “ngồi chơi” mãi được mà phải làm gì đó để tận dụng cơ hội đầu tư trên thị trường.
– Thứ ba, nhà đầu tư bất động sản trong nước đã có thời gian dài tích lũy tài chính và kinh nghiệm liên tục trong 6 năm thị trường phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện đang rất thấp. Tăng trưởng kinh tế khoảng 3% nhưng lãi suất gửi trung dài hạn chỉ khoảng 2,5%.
Như vậy, rõ ràng nhà đầu tư để tiền trong ngân hàng đang “mất tiền”. Ở thời điểm hiện tại, nguồn tiền trong dân rất dồi dào nên nhu cầu đầu tư rất lớn.
3. Vẫn tiềm ẩn rủi ro
Các chuyên gia nhận định, lãi suất giảm, nhu cầu đầu tư bất động sản tăng đồng nghĩa với việc thúc đẩy dư nợ tín dụng bất động sản.
Thống kê của Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, quý I/2020, dư nợ tín dụng bất động sản giảm so với cuối 2019, chủ yếu do đây là khoảng thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nhất.
Tuy nhiên, đến quý II/2020 dư nợ tín dụng bất động sản của doanh nghiệp tăng đáng kể, thị trường bất động sản đã bắt đầu có sự cải thiện hơn về việc giao dịch. Dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng dần lên trong từng quý.
“Ngoài việc nguồn cung vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản là tín dụng ngân hàng, thị trường bất động sản trong năm 2020 vẫn có sự thu hút các nguồn vốn khác như vốn đầu tư FDI, vốn đầu tư cá nhân, kiều hối gửi về và vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết”, Bộ Xây dựng cho biết.
Do các kênh huy động vốn trung và dài hạn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, các quỹ đầu tư bất động sản, các quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS) chưa phát triển đầy đủ nên các dự án bất động sản vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, đây là điều rất đáng quan ngại, vì có khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu và thị trường bất động sản chưa đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.
Theo: Vneconomy