Sự lên ngôi của văn phòng chia sẻ trong mùa dịch

Chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, bất động sản văn phòng tại Việt Nam như “ngồi trên đống lửa” bởi lo sợ sẽ có cuộc giãn cách xã hội lần 2. Do đó, để vừa đảm bảo môi trường làm việc cho nhân viên, vừa không phải tốn chi phí cho những diện tích trống, các doanh nghiệp đang dần có sự chuyển dịch sang thuê văn phòng chia sẻ.
1. 80% doanh nghiệp Việt Nam sẽ chuyển sang văn phòng chia sẻ
Văn phòng chia sẻ (Shared Office) là loại văn phòng cho phép nhiều công ty sở hữu hoặc quản lý một văn phòng. Đây là giải pháp văn phòng hữu hiệu để các cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ chi phí thuê văn phòng, các doanh nghiệp muốn mở rộng chi nhánh hoặc các startup muốn tiết kiệm thời gian, tiền bạc.
Mô hình này sẽ cung cấp cho các khách hàng chỗ ngồi làm việc riêng, đồng thời setup toàn bộ nội thất cùng vô vàn các tiện ích văn phòng khác như: Phòng họp, phòng tiếp khách, lễ tân, phòng ăn,…
Mới đây, do sự phát triển mạnh của đội ngũ nhân sự, Tiktok Việt Nam đã quyết định chuyển từ mô hình văn phòng truyền thống trong một tòa nhà hạng A ở quận 1 (TP.HCM) sang văn phòng chia sẻ ở tòa nhà hạng A khác cùng quận.
Cùng với nhiều lý do khác nhau, một số công ty và tổ chức nước ngoài đến Việt Nam gần đây cũng chọn hoạt động trong các văn phòng chia sẻ, như Snow, Tencent’s WeTV Vietnam, Decision Lab hay ProChile (Ủy ban thương mại của Bộ Ngoại giao Chile).
Trong dự báo được đưa ra cuối năm 2019, Officespace – một đơn vị cho thuê văn phòng tại Hà Nội cho rằng, thị trường văn phòng chia sẻ sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2020. Bởi lẽ, văn phòng chia sẻ đang trong chu kỳ mở rộng nhanh chóng, chiếm nhiều tầng tại các dự án tương lai và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn. Nó không chỉ hút khách thuê là các công ty vừa và nhỏ hay công ty khởi nghiệp, mà các doanh nghiệp lớn với hàng trăm nhân viên cũng đang hướng đến mô hình văn phòng chia sẻ bởi tính linh hoạt của nó.
Theo nghiên cứu vừa được thực hiện trong thời điểm dịch của IDC – Trung tâm dữ liệu Internet, có tới 80% doanh nghiệp tại Việt Nam đang lên kế hoạch sử dụng không gian làm việc chia sẻ trong vòng từ 1 – 3 năm tới, cao hơn mức trung bình của khu vực.
Bên cạnh đó, 86% người được khảo sát tại Việt Nam phản hồi “cực kỳ hoặc rất” coi trọng lợi ích của không gian làm việc chia sẻ đối với việc mở rộng kinh doanh của họ.

2. Văn phòng chia sẻ có khả năng cao “sống sót” qua mùa dịch
Văn phòng chia sẻ được nhiều chuyên gia dự báo là sẽ ít bị “lung lay” bởi dịch Covid-19, và vẫn có tiềm năng phát triển dài hạn ở Việt Nam nhờ 03 yếu tố:
– Thứ nhất: Sự bùng nổ của các doanh nghiệp startup
Các doanh nghiệp này chính là khách hàng phổ biến nhất của loại hình văn phòng chia sẻ. Bà Nga Nguyễn – Trưởng phòng nhân sự của Amanotes Việt Nam (một startup về game di động) đánh giá: “Sự phát triển của không gian làm việc chia sẻ tại Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với sự bùng nổ của hệ doanh nhân trẻ, các nhà khởi nghiệp và các cộng đồng đổi mới trong nước”.
– Thứ hai: Phù hợp với nhu cầu thu hút và giữ chân nhân tài trẻ – Những người thích không gian làm việc trẻ trung, hiện đại và có tính kết nối cao
Theo báo cáo của IDC, 93% doanh nghiệp được khảo sát tại Đông Nam Á nhận thấy sự cần thiết của phải điều chỉnh không gian làm việc để phù hợp với mong muốn, kỳ vọng của thế hệ trẻ. Và chính văn hóa làm việc năng động, sôi nổi của thế hệ trẻ tại Việt Nam đã góp phần tạo nên kết quả này.
– Thứ ba: Sự tác động của Covid-19 khiến doanh nghiệp phải nhìn nhận lại vai trò của văn phòng
Covid-19 là yếu tố khiến một số doanh nghiệp căn nhắc từ bỏ thuê văn phòng truyền thống dài hạn sang thuê văn phòng làm việc chia sẻ để tiết kiệm chi phí, cũng như linh động thời gian thuê.
Theo Ray Tan – Trưởng bộ phận tăng trưởng của WeWork tại khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc cho biết: “Chính Covid-19 đã khiến các công ty ưu tiên cân nhắc lựa chọn không gian làm việc chia sẻ trong danh mục bất động sản”.
Còn theo Savills, tình trạng khan hiếm nguồn cung bất động sản văn phòng và diện tích còn trống bị chia nhỏ lẻ đang tạo ra cơ hội rất lớn cho các nhà điều hành văn phòng chia sẻ. Bởi lẽ, với cách bố trí không gian làm việc linh hoạt, mô hình này có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm khách thuê khác nhau. Thêm nữa, khi nguồn cung ở khu vực trung tâm khan hiếm trong ngắn hạn, văn phòng chia sẻ cũng buộc phải đi theo xu hướng mở rộng ra khu vực rìa trung tâm.
Coworking Resources – nhà phát triển văn phòng linh hoạt cho hay, các không gian làm việc chia sẻ tại Việt Nam chứng kiến quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ, khi cứ 47,5 ngày là có một địa điểm mở mới. Còn theo ước tính của Office Space, thị trường Việt Nam đang có tới hàng trăm đơn vị cung cấp dịch vụ văn phòng chia sẻ với nhiều mức giá và tiện ích đi kèm khác nhau. Do đó, đây là sản phẩm sẽ có sức trụ rất lớn trước biến động của thị trường trong thời điểm dịch bệnh này.