Trước đây, nhà đầu tư Hà Nội và Sài Gòn khi nhìn thấy cơ hội tại một “vùng trũng” tỉnh lẻ nào đấy là ngay lập tức đổ tiền vào đầu tư, tạo ra những cơn “đại hồng thủy” về giá như tại Đà Nẵng và Nha Trang. Thực tế, có những khu vực ở Đà Nẵng tăng 10 lần chỉ trong vòng 02 năm, nhà đầu tư thu về lợi nhuận khủng.
1. Covid-19 thúc đẩy mua bất động sản?
Ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản BHS cho rằng, sự xuất hiện của Covid-19 thực ra lại rất có lợi cho bất động sản khi xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0. Họ không biết cất tiền vào đâu và đã chọn bất động sản.
Mặt khác, Covid-19 cũng khiến thói quen của người tiêu dùng thay đổi. Từ đó, các sản phẩm bất động sản cũng buộc phải chuyển mình theo, hướng tới sự phát triển lành mạnh và bền vững.
“Và thực tế, dù tình hình kinh tế có khó khăn thì giá bất động sản vẫn không có dấu hiệu giảm, thậm chí tiếp tục tăng”, ông Tuyển nhấn mạnh.
Ông Tuyển cho rằng, thị trường đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về hành vi người tiêu dùng và dòng sản phẩm đầu tư.
Ở phân khúc chung cư, vị chuyên gia nhận định, hiện tại và trong tương lai, nhu cầu của người mua nhà chung cư là cần một nơi để sống chứ không chỉ là một nơi để ở. Chính vì vậy, các dòng sản phẩm nhà ở phải thay đổi khi người dùng ưu tiên mua những sản phẩm đầy đủ các yếu tố pháp lý, có quy mô, tiện ích, an ninh, cảnh quan và dịch vụ thông minh.
Đối với dòng sản phẩm nghỉ dưỡng làm mưa làm gió ở thị trường bất động sản Việt Nam trong nhiều năm qua, ông Tuyển nhìn nhận, trong quá khứ, các chủ đầu tư chỉ tập trung vào nhu cầu phục vụ kỳ nghỉ của khách, trong khi hành vi này diễn ra với tần suất rất ít trong một năm. Điều này dẫn tới việc nguồn cung bị dư thừa, tỷ lệ khai thác không cao.
“Dòng sản phẩm nghỉ dưỡng đang có sự chuyển mình đáng kể. Sản phẩm ở những nơi có cảnh quan, địa hình, thời tiết tốt, văn hóa đặc sắc… và đặc biệt là có thể sở hữu lâu dài và di chuyển bằng phương tiện cá nhân đang được quan tâm hàng đầu. Bất động sản nghỉ dưỡng núi đang lên ngôi thay thế cho bất động sản nghỉ dưỡng biển”, vị chuyên gia này khẳng định.
Còn với bất động sản khu công nghiệp, trước đây, các khu công nghiệp không có sự đồng bộ giữa nơi ở, nơi sản xuất và nơi vui chơi. Các chủ đầu tư chỉ là các “nhà san lấp hạ tầng chuyên nghiệp”. Tuy nhiên, nhu cầu hiện tại đã thay đổi, đó là sự đồng bộ để tiện lợi trong công việc, nâng cao chất lượng cuộc sống và ổn định lâu dài.
“Chính vì vậy, các sản phẩm mới cần được quy hoạch đồng bộ với quy mô lớn, bao gồm nơi sản xuất, nơi ở, giáo dục, y tế và dịch vụ,… thậm chí Dry Port. Để như vậy thì chủ đầu tư cần trở thành các nhà phát triển bất động sản công nghiệp chuyên nghiệp”

2. Nhà đầu tư không còn lao vào “vùng trũng” mà tìm một nơi an toàn
Ông Tuyển cũng cho biết thêm, đối với bất động sản tỉnh lẻ, đất nền, tâm lý nhà đầu tư cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Trước đây, nhà đầu tư Hà Nội và TP.HCM nhìn thấy cơ hội tại một “vùng trũng” tỉnh lẻ nào đấy là ngay lập tức xuống tiền vào đầu tư, tạo ra những cú shock về giá như tại Nha Trang và Đà Nẵng. Có những khu vực tại Đà Nẵng tăng 10 lần chỉ trong vòng 2 năm, nhà đầu tư gặt hái lợi nhuận khủng.
“Hiện nay, dọc đường Võ Nguyên Giáp, hàng loạt khách sạn đóng cửa không khai thác được. Khi giá lên cao, người sở hữu các sản phẩm cuối cùng lại là người Đà Nẵng và Nha Trang. Nhà đầu tư Hà Nội, Sài Gòn rất thông minh khi họ rút ra nhanh, người bản xứ ngủ quên trong chiến thắng và đang phải gánh chịu hậu quả ngồi trên đỉnh giá”, ông Tuyển cho biết.
Cũng theo ông Tuyển, hiện nay, tại nhiều khu vực Đà Nẵng, Nha Trang, giá bất động sản có xu hướng giảm dần. Những người bán tháo ra chủ yếu là người bản xứ – cũng chính là những người mua vào ở đỉnh của cơn sốt giá. Và chỉ một thời gian ngắn nữa khi mức giá hạ mạnh thì những nhà đầu tư đến từ Hà Nội, Sài Gòn lại sẽ nhập cuộc chơi và tiếp tục có lợi nhuận khủng.
“Trong tương lai, nhà đầu tư sẽ không đầu tư vùng trũng như thế nữa. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang nghe ngóng đất nền, chung cư tỉnh lẻ. Tuy nhiên cách đầu tư hiện nay tập trung vào sự an toàn. Xu hướng đầu tư ‘khoai ruộng lạ mạ ruộng quen’ được nhà đầu tư tập trung vào những tỉnh có GDP tốt, gần Hà Nội, TPHCM như Quảng Ninh, Vũng Tàu, Hòa Bình, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Những vùng xa như Quảng Bình, Quảng Trị, Lào Cai, nhà đầu tư không còn mặn mà”, ông Tuyển cho biết.
Theo: Cafe F