Quy định về cấp phép xây dựng nhà ở và một số điều bạn cần biết

Quy định về cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ mới nhất. Chia sẻ những quy định và thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở theo luật hiện hành nền biết.
Xin cấp phép xây dựng là thủ tục hành chính quan trọng trong phạm vi lĩnh vực nhà đất. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải mọi công trình đều cần trải qua khâu đoạn này. Chưa kể, việc thực hiện cũng sẽ không quá phức tạp nếu bạn nắm rõ những điều kiện và cách thức chuẩn bị theo quy định về cấp phép xây dựng nhà ở sau đây.
1. Khi nào phải xin cấp phép xây dựng nhà ở?
Trái với lo lắng của nhiều gia đình, không phải tất cả các công trình nhà ở riêng lẻ đều cần có giấy phép xây dựng. Trên thực tế, pháp luật của chúng ta đã quy định rất rõ điều này tại khoản 2 điều 107 Luật xây dựng 2014. Theo đó, việc khởi công xây dựng nhà ở chỉ cần có giấy phép đối với những trường hợp nhất định.
Vậy trường hợp nào được miễn, trường hợp nào phải chịu quy định về cấp phép xây dựng nhà ở? Khoản 2 điều 89 Luật xây dựng 2014 sẽ giúp bạn khoanh vùng các nhóm đối tượng cụ thể. Trong đó, xét riêng về nhà ở riêng lẻ, tất cả những công trình ở khu vực nông thôn sẽ được miễn giấy phép, trừ trường hợp xây dựng trong khu bảo tồn và khu di tích lịch sử – văn hóa.

Với Luật xây dựng mới nhất sửa đổi phê duyệt ngày 17/6/2020, quy định trên đã có ít nhiều thay đổi về nội dung. Cụ thể, nhóm “nhà ở riêng lẻ ở nông thôn” được giới hạn lại thành các công trình có quy mô dưới 7 tầng, thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
Mặt khác, Luật xây dựng sửa đổi còn đề cập đến các công trình nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo, thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch xây dựng khu chức năng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, từ ngày 01/01/2021, những điều chỉnh này mới bắt đầu có hiệu lực.
Loại trừ tất cả các trường hợp trên, chúng ta sẽ xác định được nhóm công trình nhà ở phải xin cấp phép xây dựng.
Xem thêm: Quy định mới nhất về diện tích tối thiểu được cấp phép xây dựng
2. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở
2.1. Nhà ở riêng lẻ tại đô thị

Quy định về cấp phép xây dựng nhà ở tại khoản 1 và khoản 2 điều 93 Luật xây dựng 2014 đã đề cập đầy đủ những điều kiện cần có:
– Công trình phải phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất và quy chế quản lý kiến trúc do Nhà nước ban hành.
– Công trình phải đảm bảo được tính an toàn cho chính nó và các công trình lân cận. Ngoài ra, phải đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, khoảng cách an toàn…
– Thiết kế nhà ở riêng lẻ phải được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn:
- Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn về vật liệu, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, đảm bảo an toàn chịu lực, mỹ quan, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ…
- Hộ gia đình được tự thiết kế nhà ở với diện tích sàn nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m nhưng phải phù hợp quy hoạch xây dựng.
- Nếu tự thiết kế, bạn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn của những công trình lân cận.

– Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở sẽ bao gồm:
- Đơn đề nghị theo mẫu (Phụ lục 1 – Thông tư 15/2016/TT-BXD).
- Bản sao hoặc file hình ảnh giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất.
- Bản sao hoặc file hình ảnh 2 bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công được phê duyệt theo quy định pháp luật hoặc được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn về xây dựng. Mỗi bộ bao gồm:
- Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất (tỷ lệ 1/50 – 1/500) và sơ đồ vị trí công trình.
- Bản vẽ mặt bằng các tầng, mặt đứng, mặt cắt chính của công trình (tỷ lệ 1/50 – 1/200).
- Bản vẽ mặt bằng móng (tỷ lệ 1/50 – 1/200) và mặt cắt móng (tỷ lệ 1/50).
- Sơ đồ hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, đường điện, đường thông tin (tỷ lệ 1/50 – 1/200).
- Với công trình có tầng hầm, phải có bản sao hoặc file hình ảnh văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của chủ đầu tư.
- Nếu có công trình liền kề, phải có bản cam kết của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho các công trình bên cạnh.
- Nhà ở trong khu vực đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, phải phù hợp với quy chế thiết kế đô thị hoặc quản lý kiến trúc do cơ quan Nhà nước ban hành.
Xem thêm: Quy định về số tầng được phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
2.2. Nhà ở riêng lẻ tại nông thôn
Khoản 3 điều 93 Luật xây dựng 2014 quy định cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn như sau: Nhà ở riêng lẻ nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
Trên đây là một số điều bạn cần biết xoay quanh các quy định về cấp phép xây dựng nhà ở. Hy vọng bài viết đã mang tới người đọc những thông tin thật sự hữu ích.