Những thuật ngữ phổ biến trong ngành bất động sản
Bất động sản luôn được xem là kênh đầu tư vua và thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Tuy nhiên, để hiểu hơn về ngành này, bạn cần phải nắm rõ được các thuật ngữ bất động sản cơ bản. Và dưới đây là tổng hợp thuật ngữ bất động sản theo Luật kinh doanh bất động sản.
1. Kinh doanh bất động sản
Là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng để bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua, thực hiện dịch vụ môi giới, dịch vụ tư vấn hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lời.
2. Kinh doanh dịch vụ bất động sản
Là hoạt động hỗ trợ kinh doanh bất động sản và thị trường bất động sản, bao gồm dịch vụ môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, định giá bất động sản, đấu giá bất động sản, quảng cáo, tư vấn bất động sản, quản lý bất động sản,…
3. Giao dịch bất động sản
Là việc mua bán, chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản giữa cá nhân, tổ chức không kinh doanh bất động sản với cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản.
4. Đấu giá bất động sản
Là việc bán, chuyển nhượng bất động sản trả giá cao nhất theo thủ tục đấu giá tài sản.
5. Mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Là việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản mà bên mua, bên nhận chuyển nhượng được trả chậm hoặc trả dần tiền mua/tiền chuyển nhượng bất động sản trong thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng.

6. Mua bán nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai
Là việc mua bán nhà, công trình xây dựng mà tại thời điểm ký hợp đồng, bất động sản đó chưa hình thành hoặc đang hình thành theo hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công và tiến độ cụ thể.
7. Thuật ngữ bất động sản liên quan đến pháp lý
– Sổ đỏ: Là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Bộ Tài nguyên Môi trường phát hành. Loại giấy tờ này có bìa màu đỏ nên thưởng được gọi là Sổ đỏ.
Theo đó, các loại đất được cấp Sổ đỏ bao gồm: Đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, đất làm nhà ở thuộc nông thôn do UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp cho chủ sử dụng.
Ngoài ra, đa phần Sổ đỏ được cấp cho hộ gia đình, nên khi chuyển nhượng hoặc thực hiện các giao dịch dân sự nói chung liên quan đến quyền sử dụng đất thì phải có chữ ký của tất cả thành viên đủ 18 tuổi trở lên có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình.
– Sổ hồng: Là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền quyền sử dụng đất ở, có bìa màu hồng nên thường được gọi là Sổ hồng. Hiện có 2 loại Sổ hồng là sổ cũ do Bộ Xây dựng ban hành (cấp trước ngày 10/12/2009) và Sổ hồng mới do Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành.
Cơ bản, Sổ đỏ và Sổ hồng có pháp lý tương tự nhau. Tuy nhiên, Sổ hồng ngoài việc chứng thực quyền sở hữu đất ở còn xác nhận được thông tin sử dụng đất ở thuộc sử dụng chung hay riêng (sử dụng nhà chung hay nhà riêng – điển hình là chung cư).
Để thống nhất quản lý và tránh gây khó khăn cho người dân, từ ngày 10/12/2009 thì người sử dụng đất sẽ được cấp theo mẫu Giấy chứng nhận mới với tên gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất áp dụng chung trên phạm vi cả nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Tuy nhiên, Sổ đỏ và Sổ hồng được cấp trước ngày 10/12/2009 vẫn có giá trị và không phải đổi sang loại giấy chứng nhận mới.
– Sổ trắng: Đây là loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất được Nhà nước công nhận. Tuy nhiên, loại giấy tờ này có giá trị từ cách đây rất lâu (cả trước và sau năm 1975).
Hiện nay, Sổ trắng vẫn có giá trị pháp lý về việc sở hữu đất đai. Tuy nhiên, nó lại không có giá trị giao dịch. Để giao dịch được, chủ sở hữu đất phải làm thủ tục chuyển đổi Sổ trắng qua Sổ hồng.

8. Thuật ngữ bất động sản liên quan đến đất, công trình trên đất
– Đất nền: Đất nền là loại đất trống, chưa có bất kỳ sự tác động, xây dựng nào ở bên trên. Đất nền có 03 dạng cơ bản gồm:
+ Đất nền dự án: Là đất nằm trong dự án đang được chủ đầu tư quy hoạch. Những lô đất này đang trong quá trình nghiên cứu dự án và chưa có bất kỳ một tác động bởi máy móc hoặc con người.
+ Đất thổ cư: Thuộc vào nhóm đất phi nông nghiệp. Đất không sử dụng vào các hoạt động nông nghiệp, xuất hiện ở cả nông thôn và thành thị.
+ Đất liền kề: Những mảnh đất được bố trí gần nhau theo một kết cấu nhất định và sẽ có diện tích giống nhau, xuất hiện trên cùng khu vực thi công dự án đô thị. Đất liền kề được hiểu là chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư (không thuộc đất công), được chuyển đổi mục đích thành đất ở chỉ áp dụng đối với đất vườn, ao liền kề với đất ở (trong cùng một thửa) và đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư.
– Diện tích quy hoạch: Là tổng diện tích đất của toàn bộ một dự án xây dựng được cấp phép.
– Tổng diện tích sàn: Thường được sử dụng khi nói về một căn chung cư nhiều tầng. Đây là diện tích của toàn bộ mặt sàn của một tầng nhưng trừ đi diện tích tường, cột có trên mặt sàn đó.
– Mật độ xây dựng: Lấy tổng diện tích được sử dụng để xây dựng đó chia cho tổng diện tích quy hoạch sẽ nhận được mật độ xây dựng.
– Nhà phố: Những ngôi nhà được xây dựng tại vị trí mặt tiền đắc địa. Vị trí này sẽ mang lại nhiều thuận lợi cả về mặt kinh tế cũng như công năng sử dụng căn hộ cho gia chủ.
Theo đó, nhà phố bao gồm các loại như:
+ Nhà phố liền kề: Là những ngôi nhà mặt phố có kiến trúc xây dựng, thiết kế giống nhau và liền kề nhau.
+ Nhà phố thương mại: Là mô hình kết hợp giữa nhà ở với cửa hàng kinh doanh buôn bán.
+ Nhà phố sân vườn: Là mô hình có thiết kế sân vườn ngay trong nhà, mang lại cho bạn cảm giác được sống cùng với thiên nhiên. Các thiết kế sân vườn thường được xây tại tầng thượng hoặc tầng trệt.
– Biệt thự đơn lập: Là lối kiến trúc nhà ở độc lập, với 4 mặt biệt thự đều có mặt thoáng tiếp giáp với sân vườn, hài hòa và có thể chia công năng của mỗi mặt như trước, sau, trái, phải. Bao quanh biệt thự là các hàng rào sắt, thép với lối đi riêng biệt.
– Biệt thự song lập: Có lối thiết kế hai căn nhà có thể đối xứng hoặc không đối xứng với nhau nằm cùng trong một khuôn viên. Biệt thự song lập sẽ có 03 mặt thoáng do có 01 mặt tiếp giáp với cạnh của căn biệt thự còn lại.