Cấp mới sổ đỏ, thời gian, địa điểm,… là những thay đổi liên quan tới Sổ đỏ có hiệu lực từ ngày 8/2/2021. Để nắm rõ được những thay đổi này nhằm giúp quá trình giao dịch nhà đất được suôn sẻ, hãy cùng Nhà Đất Mới tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Được chọn địa điểm, thời gian làm Sổ đỏ
Đây được xem là quy định khá cởi mở cho người sử dụng đất được nhắc tới trong Nghị định 148/2020/NĐ-CP. Theo đó, chủ tài sản gắn liền với đất sẽ được chọn địa điểm, thời gian làm Sổ đỏ, ngay cả ở nhà. Cụ thể:
- Người dân có nhu cầu sẽ lựa chọn địa điểm, thời gian tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai/tài sản gắn liền với đất, cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận. Việc này sẽ được thỏa thuận trước với Văn phòng đăng ký đất đai tại nơi có đất. Nhưng vấn đề thỏa thuận và giải quyết thủ tục không được quá thời gian thực hiện do UBND tỉnh quy định
- Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả sẽ diễn ra tại bộ phận một cửa nếu địa phương đã tổ chức bộ phận này. Trừ trường hợp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp hoặc cấp đổi lại Giấy chứng nhận tại địa điểm ngoài trụ sở Văn phòng đăng ký đất đai theo nhu cầu người sử dụng đất

2. Thêm cơ quan được quyền cấp/cấp đổi/cấp lại Sổ đỏ
Sẽ có thêm một cơ quan có thẩm quyền cấp/cấp đổi/cấp lại Sổ đỏ là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (theo quy định hiện hành thì mới chỉ có Văn phòng đăng ký đất đai) theo Nghị định 148/2020/NĐ-CP.
Đối với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nơi thực hiện các thủ tục cấp/cấp đổi/cấp lại Sổ đỏ sẽ là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh/huyện. Trong đó:
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ xin cấp/cấp đổi/cấp lại Sổ đỏ của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp,…
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ xin cấp/cấp đổi/cấp lại Sổ đỏ của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam
3. Thêm 1 loại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân trong nước
Theo điểm a Khoản 1 Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định thì hộ gia đình, cá nhân trong nước muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì phải có giấy phép xây dựng nhà ở với trường hợp với xin giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, với thay đổi liên quan tới Sổ đỏ có hiệu lực từ năm 2021 thì hộ gia đình, cá nhân trong nước muốn được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì phải có giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn. So với quy định cũ, thì điểm mới của thay đổi này chính là công nhận cả giấy phép xây dựng có thời hạn (giấy phép xây dựng tạm).

4. Mở rộng điều kiện cấp Chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở
Một trong những điều kiện để hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư theo quy định cũ tại điểm a Khoản 1 Điều 32 Nghị định 43/2014 được cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở đó là phải có giấy phép xây dựng công trình.
Thế nhưng, thay đổi mới liên quan tới vấn đề này đã được nới rộng hơn. Cụ thể, sẽ công nhận cả giấy phép công trình có thời hạn. Như vậy, hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư phải có giấy phép xây dựng công trình hoặc giấy phép xây dựng công trình có thời hạn.
5. Không được cấp Sổ đỏ nếu dồn điền đổi thửa
Để hiểu chi tiết về dồn điền đổi thửa là gì, các bạn có thể tham khảo thêm: Dồn điền đổi thửa là gì và các quy định pháp luật liên quan.
Một trong những trường hợp được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định cũ là khi thực hiện dồn điền đổi thửa, đo đạc xác định lại kích thước, diện tích thửa đất. Song quy định mới sắp tới việc dồn điền đổi thửa sẽ được cấp Sổ đỏ mới thay vì cấp đổi.
Khi cấp mới Sổ đỏ, thủ tục dồn điền đổi thửa được thực hiện như sau:
- Bước 1: Người sử dụng đất chuẩn bị bộ hồ sơ gồm các giấy tờ chính như đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ cá nhân, Sổ đỏ đã cấp,…
- Bước 2: Đem nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai. Nếu hồ sơ đúng và đầy đủ, cơ quan này sẽ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và tiếp nhận xử lý
- Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai chuẩn bị hồ sơ để phòng Tài nguyên và Môi trường UBND cấp huyện cấp Sổ đỏ cho người đã thực hiện việc dồn điền đổi thửa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi có Sổ đỏ mới sẽ tiến hành trao cho người sử dụng đất và cập nhật, chỉnh lý thông tin vào cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính của địa phương

6. Trường hợp đất bị thế chấp cấp Sổ đỏ mới khi dồn điền đổi thửa
Người sử dụng đất phải nộp bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho văn phòng đăng ký đất đai. Cơ quan sẽ có trách nhiệm thông báo về trường hợp này cho tổ chức tín dụng nơi nhận thế chấp để xác nhận việc đăng ký thế chấp. Ba bên gồm Văn phòng đăng ký đất đai, tổ chức tín dụng nơi nhận thế chấp và người sử dụng đất cùng có mặt khi thực hiện việc trao Sổ đỏ mới.
Khi hoàn tất, người sử dụng đất sẽ ký và nhận Sổ đỏ mới từ Văn phòng đăng ký đất đai để trao cho tổ chức tín dụng nơi đang nhận thế chấp. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trao lại Sổ đỏ cũ đang thế chấp cho văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.
Trên đây là 6 thay đổi liên quan tới Sổ đỏ được ban hành vào năm 2021. Hi vọng, các bạn có thể cập nhật được thông tin nhanh chóng để giúp quá trình xin cấp, cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ được dễ dàng.
Nguồn : Nhadatmoi.net