Chuyển nhượng chung cư – Điều kiện, thủ tục và những lưu ý cần biết

Chuyển nhượng chung cư cần lưu ý những gì? Chia sẻ những quy định, điều kiện và thủ tục chuyển nhượng chung cư đúng pháp lý và những điều cần lưu ý.
Nhiều người muốn chuyển nhượng chung cư song chưa nắm được cần đáp ứng những điều kiện gì, thủ tục ra sao,… Thông qua bài viết dưới đây, Nhà Đất Mới sẽ giúp bạn hiểu rõ điều kiện, thủ tục cũng như những lưu ý khi chuyển nhượng chung cư cần biết.
I. Điều kiện chuyển nhượng chung cư hợp pháp
Theo quy định của khoản 1 Điều 118 Bộ Luật Nhà ở năm 2014 để chuyển nhượng chung cư cần đáp ứng điều kiện sau:
- Có Giấy chứng nhận hợp pháp, ngoại trừ trường hợp đã được quy định ở khoản 2 Điều 118 Luật Nhà ở 2014.
- Căn hộ chung cư không nằm trong diện đang có khiếu nại, xảy ra tranh chấp, khiếu kiện về vấn đề quyền sở hữu; hay đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với sở hữu nhà ở có thời hạn.
- Căn hộ chung cư không thuộc diện bị kê biên để thực hiện việc thi hành án hoặc chấp hành các quyết định hành chính từ phía cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu lực về pháp luật.
- Nhà chung cư không nằm trong diện đã có thông báo phá dỡ, giải tỏa hay quyết định thu hồi đất từ cơ quan có thẩm quyền.

Xem ngay: Điều kiện bàn giao căn hộ chung cư
II. Thủ tục chuyển nhượng chung cư
1. Đối với chung cư đã có sổ đỏ
Bước 1: Bên mua và bán tới văn phòng công chứng để tiến hành ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà.
Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Bước 3: Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính (bao gồm thuế, phí, lệ phí);
Bước 4: Nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà gồm có:
– Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (theo mẫu);
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (gồm cả bản chính và bản sao chứng thực);
– Chứng minh thư, sổ hộ khẩu của cả 2 bên (bản sao chứng thực);
– Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà (có công chứng);
– Hồ sơ kỹ thuật căn hộ (bản chính);
– Giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng nhân thân (bản sao).
Nghĩa vụ tài chính (thuế, phí chuyển nhượng chung cư)
– Lệ phí:
Lệ phí trước bạ = 0,5 % x Khung giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định.
– Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có 2 cách tính như sau:
Cách 1: Thuế TNCN = 25% giá trị lợi nhuận (giá bán – giá mua)
Cách 2: Thường được cơ quan thuế áp dụng, dùng khi không xác định được giá mua
Thuế TNCN = 2% Giá chuyển nhượng (giá được ghi trong hợp đồng).
Theo quy định của Luật thuế TNCN thì nghĩa vụ nộp thuế này thuộc về bên chuyển nhượng. Tuy nhiên, bên mua và chuyển nhượng có thể thỏa thuận với nhau xem bên nào thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Hồ sơ kê khai thuế TNCN bao gồm:
- Tờ khai thuế TNCN (theo mẫu.
- Văn bản hợp đồng mua bán nhà chung cư (01 bản gốc).
- Hoá đơn thuế giá trị gia tăng các đợt thanh toán (bản photo).
- Giấy xác minh vị trí đất (bản gốc).
- Chứng minh thư của bên chuyển nhượng (bản sao chứng thực).
- Cơ quan thuế giải quyết là chi cục thuế nơi có nhà chung cư.
Xem thêm: Những điều cần biết về phí bảo trì chung cư
2. Đối với chung cư chưa có sổ đỏ
Ngay cả khi chưa được cấp sổ đỏ, bạn vẫn có thể tiến hành chuyển nhượng chung cư bằng cách chuyển nhượng hợp đồng mua bán đã ký kết với đơn vị chủ đầu tư. Thủ tục gồm có 3 bước đó là:
Bước 1: Đôi bên tới văn phòng công chứng để ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà chung cư.
Bước 2: Hai bên thỏa thuận về việc đóng thuế TNCN theo quy định
Bước 3: Bên chuyển nhượng liên hệ với bên chủ đầu tư để ghi nhận về việc chuyển nhượng trên.
Kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ từ bên nhận chuyển nhượng với thời gian tối đa 5 ngày làm việc, chủ đầu tư phải có trách nhiệm xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng. Sau đó giao lại cho phía nhận chuyển nhượng. Lưu ý, chủ đầu tư không được thu phí từ việc chuyển nhượng này.

III. Những lưu ý khi chuyển nhượng chung cư
- Sau khi bên mua đã đặt tiền cọc, 2 bên nên ký kết hợp đồng đặt cọc. Nhà chung cư khi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu thì bên chuyển nhượng phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của mình như trong hợp đồng.
Nếu làm sai, hoặc không thực hiện bên chuyển nhượng phải bồi thường cho bên nhận chuyển nhượng khoản tiền đã cọc.
- Cả bên mua – bên bán nên xem xét ký hợp đồng ủy quyền để định đoạt việc mua bán nhà chung cư khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận.
Hợp đồng ủy quyền cần được hai bên đem đi công chứng. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan hợp đồng này vẫn có thể bị hủy bỏ.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn nắm được những điều cần biết về chuyển nhượng chung cư. Với cương vị là người chuyển nhượng hay bên nhận chuyển nhượng, bạn nên thực hiện theo trình tự các bước, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ. Điều này sẽ giúp việc chuyển nhượng diễn ra suôn sẻ, thuận lợi và tiết kiệm thời gian hơn.