Số liệu thu thập từ Viện đô thị của Mỹ cho thấy, xu hướng sở hữu nhà ở của thế hệ trẻ hiện nay muộn hơn và có tỷ lệ thấp hơn so với thế hệ đi trước họ. Theo dữ liệu của viện nghiên cứu này, từ năm 2018, tỷ lệ sở hữu nhà ở thế hệ trẻ thấp hơn 8 điểm phần trăm so với thế hệ X.
Với tình hình kinh tế như hiện tại, ngay cả với lãi suất cho vay thế chấp thấp kỷ lục cũng không thể thôi thúc người trẻ đổ xô đi mua nhà. Thay vì đó, những người trẻ tuổi chọn sống cùng với bố mẹ do những thách thức về tài chính. Xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến trong vài năm qua.
Đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng khá nhiều đến tình hình tài chính cá nhân của nhiều người Mỹ trẻ tuổi. Vậy, những người trẻ Việt có giống như người trẻ Mỹ và tỷ lệ mua nhà đang ở mức bao nhiêu?
1. Nợ nần ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Thế hệ Millennials (những người sinh ra từ năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) là thế hệ có trình độ học vấn cao. Tuy nhiên, rất nhiều người đã dính vào khoản nợ nặng khi mới chỉ là sinh viên.
Trung tâm Nghiên cứu Pew chi ra rằng, số hộ gia đình có khoản nợ vay sinh viên đã tăng gấp 02 lần từ năm 1998 đến năm 2016. Số nợ trung bình mà thế hệ Millennials phải trả là 19.000 USD, cao hơn mức 12.800 USD mà thế hệ cha mẹ họ phải gánh.
Nghiên cứu của Viện Đô thị cũng cho thấy, chỉ cần tăng 1% số nợ của sinh viên cũng khiến họ bị giảm tỷ lệ sở hữu nhà. Khi tỷ lệ nợ trên thu nhập của thế hệ Millennials tăng lên, khả năng tiết kiệm để trả trước mua nhà của họ sẽ ít đi.
2. Tiền thuê nhà đắt đỏ ở các thành phố
Cùng với gánh nặng các khoản vay sinh viên, giới trẻ Mỹ cũng đang có xu hướng thuê nhà tại các thành phố đắt đỏ. Thống kê của Viện đô thị cũng cho thấy, những người tuổi từ 18 – 34 đang phải trả tới 30% tiền lương chỉ để trang trải tiền thuê nhà.
Dĩ nhiên, đối với những người có trình độ học vấn cao thì việc tìm đến những thành phố lớn để sinh sống và phát triển sự nghiệp là điều dễ hiểu. Các thành phố như Chicago, New York hoặc San Francisco là những trung tâm tài chính và cũng là nơi sống vô cùng đắt đỏ.

3. Người trẻ Việt được gia đình hậu thuẫn
Khảo sát của Savills cho thấy, tại Việt Nam, số người trẻ dưới 30 tuổi sở hữu nhà ở chiếm số lượng lớn hơn (chiếm 58,3%). Trong đó, có tới 58,3% người tham gia khảo sát hiện đã mua được nhà riêng, 33,3% đang ở nhà thuê còn lại đang ở cùng gia đình.
Khi đề cập đến khó khăn trong việc mua nhà, phần lớn đều cho là yếu tố về tài chính do thu nhập thấp không đủ (chiếm 45,5%). Ngoài ra, nhiều người lo ngại việc vay vốn ngân hàng sẽ không đủ khả năng chi trả trong tương lai (chiếm 27,3%).
Mới đây, theo nhận định về thị trường bất động sản và tài sản của thế hệ trẻ, các chuyên gia của Savills cho rằng, nhiều người trẻ Việt cần có sự hậu thuẫn và hỗ trợ từ phía gia đình mới có đủ khả năng để sở hữu bất động sản nhà ở cho riêng mình.
Đặc biệt, với 02 thành phố lớn tại Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM, nơi có nhiều người trẻ từ các tỉnh thành tìm đến sinh sống và làm việc, nhiều người mua được nhà do được gia đình hỗ trợ tài chính, thậm chí là được thừa kế.
Theo báo cáo từ Savills về khả năng mua nhà của giới trẻ tại các nước phát triển, như tại Trung Quốc và Australia, trong độ tuổi 25 – 34 chỉ chiếm 45% tổng số người sở hữu nhà (năm 1986 tỷ lệ này từng đạt 58%). Đây là dấu hiệu cho thấy tỷ lệ người trẻ mua được nhà đang giảm xuống khá nhiều.