Thời khắc giao thừa là lúc gia chủ sửa soạn mâm cúng để lễ khấn. Hướng dẫn cách bày và chuẩn bị mâm cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời đúng tục lệ.
Nghi thức cúng giao thừa là một trong những phong tục cổ truyền của người Việt Nam. Là lễ dâng hương vào giây phút chuyển giao giữa giờ khắc cuối cùng của năm cũ và giờ khởi đầu của năm mới. Với mong muốn đem bỏ hết những điều xấu, đón những điều tốt đẹp nên mâm cúng giao thừa được các gia đình đặc biệt chuẩn bị.
Hãy cùng Nhà Đất Mới khám phá ý nghĩa và cách bày mâm lễ giao thừa đúng chuẩn nhé!
I. Ý nghĩa mâm cỗ cúng giao thừa
Cúng giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch hay “tống cựu nghinh tân”. Sở dĩ có tên gọi này chính là bởi người xưa tin rằng hàng năm đều có một vị thần Hành Khiển trông coi nhân gian bàn giao lại công việc cho vị thần mới nên chúng ta làm lễ để tiễn người cũ và đón người mới.
Trong quá trình chuyển giao công việc, các vị thần còn mang theo quân lính để trừ tà, đuổi quỷ. Bởi vậy, cúng giao thừa còn là dịp để xua đuổi ma quỷ.
Bên cạnh đó, cúng giao thừa còn là nghi thức rước ông bà tổ tiên về chơi Tết, nhìn con cháu sum vầy, vui vẻ.
Theo quan niệm dân gian, lễ cúng giao thừa gồm mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời. Sau khi cúng giao thừa ngoài trời, gia chủ sẽ thực hiện lễ cúng trong nhà để cúng Thổ công và các vị thần cai quản trong nhà. Đồng thời nhằm dâng lễ lên tổ tiên, cầu xin tổ tiên sẽ phù hợp gia đình năm mới gặp nhiều điều tốt lành.
II. Chuẩn bị mâm cúng giao thừa ngoài trời
1. Mâm lễ đêm giao thừa ngoài trời gồm những gì?
Lễ cúng giao thừa ngoài trời được gọi là lễ cúng tiễn vị thần cựu vương hành khiển và đón vị thần mới về.

Mâm cúng mặn đêm giao thừa
Mâm cơm lễ giao thừa ngoài trời bao gồm:
- 1 con gà trống luộc
- 1 chiếc bánh chưng (hoặc 1 đĩa xôi gấc)
- 1 khoanh giò lụa
- 1 đĩa hoa quả
- Vàng mã
- Trầu, cau
- Đèn/nến
- 1 đĩa gạo
- 1 đĩa muối
- 1 chén rượu
- 1 chén nước
- 1 mũ cánh chuồn
- 1 lọ hoa tươi
- 3 – 5 nén hương
Những lễ vật cúng giao thừa ngoài trời hầu hết là những sản vật quen thuộc không cần quá cầu kỳ, thùy thuộc vào gia cảnh mà chuẩn bị.
Mâm cúng chay đêm giao thừa
Bên cạnh mâm lễ mặn gia chủ cũng có thể chuẩn bị mâm lễ chay đêm giao thừa như:
- Hoa
- Tiền vàng mã
- Đèn/nến
- Trầu cau
- Bánh kẹo
- Hương (3 – 5 nén)
- 1 chén rượu
- 1 chén nước
- Nước ngọt/bia đóng lon
- Mũ giấy cánh chuồn
- Sớ cúng quan Hành khiển
- 1 đĩa xôi
- 1 đĩa muối
- 1 đĩa gạo
2. Cách bày mâm cúng giao thừa ngoài trời
Mâm cúng giao thừa ngoài trời quay hướng nào hay mâm lễ giao thừa đặt ở đâu cũng cần đặc biệt chú trọng. Gia chủ nên đặt mâm lễ hướng Nam tượng trưng cho Hỷ thần và hướng Đông tượng trưng cho thần tài.
Cách sắp xếp mâm lễ giao thừa như sau:
Cách bày mâm lễ cúng chay
Bước 1: Chuẩn bị một chiếc bàn, trải tấm vải sạch và đặt mâm lên.
Bước 2: Sắp xếp mâm lễ:
- Xôi, bánh kẹo nằm giữa mâm, tiền vàng, muối và gạo ở cạnh bên.
- Rượu bày phía trước mâm lễ.
- Nước ngọt, bia đặt bên cạnh phía tay trái mâm lễ,
- Đèn, nến đặt bên phải mâm lễ.
- Lọ hoa, mũ cánh chuồn và sớ khấn bên cạnh mâm.
- Hương thắp cháy rồi đặt xuống mâm.
Cách bày mâm lễ cúng mặn
Bước 1: Chuẩn bị một chiếc bàn đã trải vải sạch và đặt lên mâm.
Bước 2: Sắp xếp đồ lễ:
- Gà ngậm hoa hồng đỏ quay đầu hướng ra ngoài, đặt gà vào giữa mâm.
- Bánh chưng đã bóc sẵn, chưa cắt, đặt cạnh đĩa gà.
- Giò lụa đặt bên cạnh đĩa bánh chưng.
- Hoa quả đặt sau bánh chưng và gà.
- Gạo, muối, cho vào đĩa hoặc chén nhỏ đặt cạnh hoa quả.
- Vàng mã, trầu cau đặt trên vành mâm.
- Rượu, nước đặt trước mâm lễ.
- Đèn, nến đặt bên cạnh đĩa hoa quả.
- Mũ chuồn đặt cạnh hoặc phía sau mâm lễ.
- Hương thắp cháy rồi cắm vào đĩa xôi, chén gạo hoặc để dưới mâm.
III. Chuẩn bị mâm cúng giao thừa trong nhà
1. Mâm cúng giao thừa trong nhà gồm những gì?
Lễ cúng giao thừa trong nhà là lễ cúng Thổ công, các vị thần cai quản trong nhà. Mâm cỗ cúng trong nhà cũng tương tự như mâm cúng ngoài trời, tuy nhiên bỏ mũ chuồn.
Tùy thuộc vào vùng miền, điều kiện gia đình mà mâm cỗ giao thừa trong nhà sẽ có sự khác biệt. Nếu miền Bắc mâm cỗ đầy đủ các món mặn, đặc biệt không thể thiếu gà luộc thì miền Nam mâm cỗ cúng có thể đơn giản hơn với mâm ngũ quả, cúc vạn thọ, lư hương, hai cây nến, giấy vàng cùng một quả dừa tươi đã chặt sẵn.
2. Cách bày mâm cúng giao thừa trong nhà
Mâm lễ giao thừa sau khi đã chuẩn bị xong sẽ được bày biện trên bàn thờ gia tiên. Với những gia đình có bàn thờ tương đối nhỏ có thể đặt mâm cúng bên dưới trên chiếc bàn sạch sẽ, chắc chắn đã trải khăn sạch.

Lễ cúng giao thừa có ý nghĩa linh thiêng và quan trọng. Vì thế, hãy chuẩn bị chu đáo, cẩn thận mâm cúng giao thừa để có năm mới trọn vẹn, nhiều may mắn nhé!
Chúc bạn năm mới an khang – thịnh vượng!
Nguồn: nhadatmoi.net