Lý do mặt bằng nhà phố cho thuê càng cao cấp càng dễ “chết” trong thời dịch

Tính đến thời điểm hiện tại, trong khi các loại hình bất động sản khác đang dần có dấu hiệu hồi phục trở lại thì nhà phố, nhất là mặt bằng nhà phố cho thuê vẫn chưa thể “gượng dậy” được, thậm chí ngày càng ảm đạm, ế ẩm khi sức thuê giảm mạnh.
1. Nhà phố cho thuê điêu đứng trước làn sóng trả mặt bằng
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, phân khúc nhà phố cho thuê vẫn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực vô cùng lớn. Xu hướng hoàn trả mặt bằng hàng loại tại các tuyến đường trung tâm, nhất là ở những khu vực vốn rất sầm uất và cao cấp tại TP.HCM tiếp tục diễn ra khi các chủ kinh doanh không thể cầm cự nổi mức thuê đắt đỏ. Theo đó, với mức giá thuê khoảng 150 – 500 triệu đồng/tháng thì chỉ cần ế ẩm 1 – 2 tháng là đã đủ để khiến nhiều cửa hàng kinh doanh “sập tiệm”.
Theo khảo sát thị trường, quận 1 và quận 3 vẫn là hai nơi ghi nhận được làn sóng trả mặt bằng rầm rộ nhất từ tháng 04 đến nay. Dọc các tuyến đường “vàng” như: Nguyễn Trung Trực, Mạc Thị Bưởi, Đồng Khởi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi,… ngày càng xuất hiện nhiều những căn nhà mặt tiền đóng cửa, chỉ có xe đẩy, gánh hàng rong tụ tập xung quanh.
Tương tự, phố Nhật Thái Văn Lung, phố Tây Bùi Viện và Lê Thánh Tôn cũng chứng kiến hoạt động kinh doanh ảm đạm. Còn những tuyến đường ẩm thực, thời trang của quận 3 như Võ Văn Tần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Bỉnh Khiêm thì không khó để bắt gặp hình ảnh những cửa hàng đóng cửa, treo băng rôn chào thuê hay bán nhà.
Một ví dụ điển hình về tình trạng gặp khó của các chủ nhà cũng như khách thuê trong thời gian này là các khu phố Hàn Quốc quanh khu vực Quận 7. Đây là nơi tập trung rất nhiều người Hàn Quốc tới Việt Nam sinh sống và làm việc, đặc biệt là quanh phường Phú Mỹ Hưng, Tân Phong.
Từ khi dịch bệnh bùng phát trên thế giới, lệnh đóng cửa biên giới của các quốc gia đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại, khiến các chuyên gia nước ngoài không thể trở lại Việt Nam làm việc. Cùng với đó là việc thắt chặt chi tiêu của người dân cũng đã khiến doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Trước thời điểm dịch bệnh, tỷ lệ lấp đầy của bất động sản bán lẻ tại quận 7 luôn duy trì ở mức cao, khoảng 95% thì hiện nay, tỷ lệ bỏ trống đã lên đến 40%, đặc biệt là các mặt bằng nội khu.
Chủ một cửa hàng ẩm thực trên khu vực phường Tân Phong cho biết, việc đóng cửa là điều bất khả kháng do lượng khách thuê trong 04 tháng gần đây giảm mạnh. Đặc biệt, thời điểm tháng 04, tháng 05, khách hàng còn chưa đến 10% bởi khu vực này chủ yếu chỉ phục vụ khách nước ngoài, khách du lịch nên khi du lịch đóng cửa, việc mua bán theo đó cũng lao dốc hẳn. Qua tháng 06, khi hoạt động xã hội khôi phục trở lại một thời gian thì dịch bệnh lại bùng phát trở lại, nhiều nhà hàng không thể cầm cự thêm nên đành trả mặt bằng để tránh bể nợ do gánh nặng chi phí thuê mặt bằng và nhân công.

2. Phân khúc cho thuê sẽ phải “oằn mình” thêm một thời gian nữa
Thực tế 08 tháng qua, các mặt bằng kinh doanh, bán buôn bỏ trống đang dần lan rộng tại những tuyến phố thương mại đắc địa nhất Sài Gòn. Từ quý I/2020, tình trạng kinh doanh đã vô cùng ế ẩm thì chúng còn kéo dài sang cả quý II và chưa có dấu hiệu cải thiện. Thậm chí, các phòng răng (nha khoa), spa, công ty du lịch,… cũng đua nhau đóng cửa, trả mặt bằng trong giai đoạn khó khăn do tác động của Covid-19.
Một chủ nhà hàng ẩm thực trên đường Mạc Thị Bưởi chia sẻ: “Nhiều chủ nhà nói là giảm giá thuê nhưng thực chất không giảm bao nhiêu, từ mức 100 – 250 triệu đồng/tháng chỉ giảm thêm từ 20 – 50 triệu đồng. Quan trọng hơn cả là hoạt động kinh doanh ế ẩm, lợi nhuận không có mà chi phí lại không cắt giảm được khiến nhà hàng chúng tôi không có cách nào duy trì hoạt động”.
Theo báo cáo thị trường tháng 07/2020, ngay sau khi thông tin Covid-19 bùng phát trở lại, nhu cầu tìm thuê mặt bằng kinh doanh giảm sút mạnh. Loại hình kiot, cửa hàng cho thuê giảm 15%, trong khi nhà riêng giảm 10%, nhà mặt phố giảm 15% nhu cầu tìm thuê. Theo đó, lượng mặt bằng trống đăng tin tìm khách thuê tăng từ 3 – 15% tùy loại hình. Diễn biến này cho thấy, tỷ lệ mặt bằng trống đang ngày càng gia tăng trong khi nhu cầu tìm thuê giảm mạnh.
Ông Nguyễn Khánh Duy – Giám đốc bộ phận nhà ở Savills Việt Nam cho rằng, làn sóng Covid-19 đang khiến các mặt bằng tại khu phố cao cấp “chết như ngả rạ” do giá thuê cao. Đặc biệt, tình trạng này còn có thể sẽ vẫn kéo dài nếu như dịch bệnh không được kiểm soát và nền kinh tế chưa kịp phục hồi mạnh trong các tháng tới đây.