Quy định, quy trình xử phạt lấn chiếm đất đai hiện hành

Lấn chiếm đất đai có vi phạm pháp luật không, xử phạt thế nào? Chia sẻ những quy định, quy trình xử phạt hành vi lấn chiếm đất đai theo luật hiện hành.
Theo Luật Đất đai 2013, lấn chiếm đất đai là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn khá nhiều người chưa nắm rõ thế nào thì được coi là lấn chiếm đất đai? Đất lấn chiếm có được xem xét cấp Sổ đỏ không?…
Để tìm được câu trả lời cho những thắc mắc trên, hãy theo dõi bài viết sau đây từ Nhà Đất Mới.
I. Như thế nào thì được coi là lấn chiếm đất đai?
Theo Điều 3 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định, lấn đất là hành vi người đang sử dụng đất tự ý thay đổi ranh giới hoặc mốc giới thửa đất. Nhằm mục đích mở rộng diện tích đất trái quy định.
Chiếm đất là việc sử dụng đất hết thời hạn được Nhà nước giao, cho thuê nhưng không tiếp tục gia hạn hoặc trả lại đất.
Để xác định được đất lấn, chiếm cần dựa vào ranh giới thửa đất đã ghi trong Sổ đỏ. Hành vi được xem là lấn, chiếm đất phải có sự thay đổi, chuyển dịch mốc giới, ranh giới của mảnh đất thực tế so với biên bản bàn giao đất ban đầu của UBND xã.

II. Quy định xử phạt đất lấn chiếm như thế nào?
Theo Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi lấn chiếm đất đai như sau:
– Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp. Nhưng không thuộc đất rừng đặc dụng/rừng sản xuất/rừng phòng hộ, đất trồng lúa.
– Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất rừng đặc dụng/rừng sản xuất/rừng phòng hộ, đất trồng lúa. Hoặc lấn chiếm đất phi nông nghiệp không thuộc đất ở.
– Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.
– Mức xử phạt được tiến hành theo theo quy định đối với hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang đảm bảo an toàn công trình.

Xem thêm: Các quy định và thủ tục gia hạn quyền sử dụng đất mới nhất
III. Đất lấn chiếm có được cấp Sổ đỏ không?
1. Điều kiện làm Sổ đỏ cho đất vi phạm pháp luật
Tại khoản 5 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người lấn, chiếm đất vẫn được cấp Sổ đỏ nếu đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:
– Đang sử dụng đất ổn định thuộc các trường hợp theo quy định.
– Đất không xảy ra kiện tụng, tranh chấp.
Lưu ý:
– Thời gian lấn, chiếm đất phải diễn ra từ ngày 01/7/2014 trở về trước. Sau ngày 01/7/2014 thì hành vi lấn, chiếm đất đai đều không được cấp Sổ đỏ.
– Cấp Sổ đỏ chỉ áp dụng với cá nhân, hộ gia đình, không áp dụng đối với tổ chức.
2. Trường hợp được cấp Sổ đỏ đất đai lấn chiếm theo quy định
Theo Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định, người sử dụng đất lấn chiếm trước ngày 01/7/2014 có thể được cấp Sổ đỏ. Tuy nhiên, cần đáp ứng đủ các điều kiện theo từng trường hợp sau:
a) Trường hợp 1: Đất, lấn, chiếm lòng, lề đường, vỉa hè; sử dụng đất lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng
Sau khi Nhà nước công bố chỉ giới xây dựng, cắm mốc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng. Hoặc đất dành cho xây dựng công trình sự nghiệp, trụ sở cơ quan, công trình công cộng mà đối tượng lấn, chiếm đất trước ngày 01/7/2014 sẽ được xử lý theo 02 hướng:
– Nhà nước sẽ thu hồi đất nếu vẫn giữ nguyên quy hoạch.
– Nếu đất lấn, chiếm không còn nằm trong hành lang đảm bảo an toàn công trình công cộng sau khi điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, không xây dựng trụ sở cơ quan và không thuộc chỉ giới xây dựng đường giao thông, thì được xem xét cấp Sổ đỏ.

b) Trường hợp 2: Sử dụng đất lấn, chiếm tại Ban quản lý rừng, công ty nông nghiệp, các lâm trường, nông trường, quốc doanh
Trường hợp sử dụng đất lấn, chiếm đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng cho các lâm trường, nông trường, quốc doanh,… thì xử lý theo 02 hướng sau:
– Có Ban quản lý rừng: UBND cấp tỉnh chỉ đạo thu hồi đất đối với diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng
– Không có Ban quản lý rừng: Người đang sử dụng đất lấn, chiếm được Nhà nước giao đất và được cấp Sổ đỏ. Nhằm tiếp tục sử dụng đất vào mục đích phát triển và rừng phòng hộ của quốc gia.
– Trường hợp đất lấn, chiếm không thuộc quy hoạch xây dựng công trình công cộng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Mà đang sử dụng để xây dựng nhà ở hoặc sản xuất nông nghiệp sẽ được cấp Sổ đỏ.

c) Trường hợp 3: Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất hoặc lấn, chiếm đất chưa sử dụng
Trường hợp đang sử dụng đất không thuộc quy hoạch an ninh – quốc phòng, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia. UBND cấp tỉnh điều hành kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và xem xét cấp Sổ đỏ cho người đang sử dụng đất.
Như vậy, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất lấn chiếm thuộc các trường hợp trên vẫn được xem xét cấp Sổ đỏ. Tuy khả năng được cấp Sổ thường không cao nhưng nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên theo từng trường hợp thì vẫn được cấp Sổ như bình thường.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ, giải đáp của Nhà Đất Mới về 03 câu hỏi thường gặp xoáy quanh vấn đề lấn chiếm đất đai. Nếu bạn thấy đây là những thông tin hữu ích, hãy theo dõi các bài viết tiếp theo để có thêm nhiều tư vấn pháp lý nhanh chóng, chính xác.