Làm việc tại nhà tăng kỷ lục, văn phòng cho thuê dần “hạ sốt”

Đại dịch thúc đẩy làm việc từ xa, khiến văn phòng cho thuê từ vị thế khan hàng, giá cao đã có dấu hiệu “hạ nhiệt cơn sốt” do phải chịu áp thị trường, nhu cầu thuê thay đổi.
1. Văn phòng cho thuê “đứt mạch” tăng giá 05 năm liên tiếp
Từ tháng 3/2020, một số tòa văn phòng phân khúc bình dân đã có động thái giảm 20% giá thuê cho đối tác, là bước ngoặt lớn thay đổi cục diện về giá trong 05 năm qua.
Cuối quý I/2020, diễn biến thị trường văn phòng cho thuê TP HCM bắt đầu bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Các phương án giãn cách xã hội, làm việc từ xa bắt đầu lan rộng khiến văn phòng cho thuê bắt đầu “thấp thỏm”.
Đứng trước tình thế đó, chủ đầu tư các phân khúc bình dân có xu hướng hơn trong việc giảm giá thuê, tăng thêm phương án hỗ trợ doanh nghiệp. Động thái giảm giá này được kỳ vọng để cả bên doanh nghiệp và chủ đầu tư có thể duy trì hoạt động một cách bền vững trong thời dịch.
Trong khi đó, đa số các tòa văn phòng thuộc phân khúc cao cấp và trung cấp chưa có động thái giảm giá thuê nào đáng kể.
Tại các đô thị lớn, thuê văn phòng thường có thời hạn kéo dài từ 3 – 5 năm. Nên việc cân nhắc lại giá thuê, giảm diện tích hay thay đổi điều khoản trước khi đến hạn hợp đồng đều là những quyết định khó khăn.
Trong quý I, đã có khoảng 18.600 doanh nghiệp trên cả nước tạm ngừng hoạt động, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến quý II/2020, ước tính sẽ có khoảng 2 – 3 triệu người lao động sẽ phải tạm thời nghỉ việc.
“Bóng ma vô hình” Covid-19 đã tác động không nhỏ đến ngành sản xuất, vận tải, hàng không, du lịch, tài chính và bất động sản. Theo đó, những nhóm ngành này là khách thuê chính tại các tòa nhà trung cấp và cao cấp, chiếm hơn 60% diện tích thuê văn phòng.
Trong 08 tháng tới, dự kiến sẽ có thêm 16 dự án mới tham gia thị trường văn phòng tại TPHCM, cung ứng trên 160.000 m2. Tuy nhiên, các dự án tương lai có thể sẽ chậm tiến độ hoặc bị trì do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu từ ảnh hưởng của dịch.
Trong 05 năm qua, lượng tiêu thụ văn phòng trung bình xấp xỉ 140.000 m2/năm. Nhưng có thể “đứt mạch” trong thời gian tới, dự kiến con số này sẽ dần giảm tốc hoặc lao dốc.

2. Hướng đi nào cho văn phòng cho thuê trong tương lai
Cũng như trên thế giới, hầu hết các công ty tại Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn đã thực hiện giãn cách xã hội và mô hình làm việc online trở nên phổ biến hơn.
Các cao ốc văn phòng đóng cửa hoàn toàn, một phần hoặc giảm lượng nhân viên đến công ty làm việc. Do lượng người làm việc ở nhà tăng cao nhất từ trước đến nay, thị trường văn phòng đã có xu hướng giãn thời gian trả tiền thuê hoặc giảm giá thuê văn phòng.
Trong tương lai, các doanh nghiệp có thể sẽ phải tính đến phương án hoạt động của văn phòng. Đồng thời cân nhắc các khả năng giảm diện tích thuê, thiết kế lại nơi làm việc một cách linh hoạt, để sẵn sàng có đủ dữ liệu làm việc tại nhà. Chủ đầu tư và doanh nghiệp cần thảo luận các ưu đãi để kéo dài thời hạn thuê, hướng đến lợi ích bền vững cho đôi bên.

Trước đây làm việc từ xa chỉ phổ biến trong giới công nghệ thông tin hoặc lao động tự do. Nhưng dịch bệnh đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp phải thử nghiệm mô hình này, chuyển từ tâm lý hạn chế sang đón nhận, khuyến khích làm việc từ xa.
Dịch bệnh có thể sẽ tác động đến thị trường văn phòng cho thuê theo 02 chiều hướng. Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ định nghĩa lại về mục đích của văn phòng truyền thống, đồng thời đánh giá tính linh hoạt của mô hình văn phòng kiểu cũ này.
Thứ hai, chủ đầu tư văn phòng cho thuê sẽ thay đổi mô hình văn phòng theo nhu cầu thị trường, điều này tạo ra một “lực đè” không nhỏ lên các văn phòng truyền thống.
Ngay cả khi đại dịch qua đi, nhiều khả năng mô hình làm việc từ xa vẫn sẽ được diễn ra và phát triển mạnh, dù vẫn còn một số bất cập, thách thức nhất định. Các công ty sẽ chú trọng hơn đến kế hoạch kinh doanh ổn định, bền vững và xây dựng mô hình làm việc từ xa hiệu quả hơn.
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu cởi mở để đầu tư vào công nghệ, lên chiến lược vực dậy tài chính hậu Covid-19, cho phép nhân viên chọn địa điểm tùy theo tính chất công việc. Tương lai gần, những công việc làm một mình sẽ tiếp tục thực hiện từ xa, còn không gian văn phòng có thể chỉ dành cho các công việc cần có sự tương tác với đồng nghiệp.
Từ đây, có thể thấy Covid-19 đã tạo động lực thúc đẩy để doanh nghiệp thử sức mô hình làm việc từ xa và công nghệ tương tác trực tuyến. Điều này có thể xem là một mối đe dọa cho mô hình văn phòng truyền thống trong tương lai.
Từ đó, chủ đầu tư cần tập trung tối ưu hóa không gian văn phòng, nâng cao hiệu quả danh mục đầu tư, hướng đến môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp. Cảnh báo được đặt ra ở đây đã đến lúc chủ đầu tư cần có chiến lược mới mẻ hơn cho thị trường văn phòng sau khi đại dịch Covid-19.