Mỗi dịp Tết Nguyên đán về, bên cạnh việc sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa đón Xuân thì việc trang trí bàn thờ ngày Tết là phong tục không thể thiếu. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng am hiểu cách trang trí bàn thờ ngày Tết như nào là đúng chuẩn.
Hôm nay, Nhà Đất Mới sẽ gửi đến bạn chi tiết cách trang trí bàn thờ Thần tài, bàn thờ gia tiên và bàn thờ ông địa cho ngày Tết sắp tới.
I. Cách trang trí bàn thờ ngày Tết
1. Bày bàn thờ ngày Tết gồm những gì?
Chuẩn bị đồ thờ cúng Thần Tài, gia tiên hay ông Địa là cách để gia chủ thể hiện tâm ý và hy vọng của mình về năm mới bình an, may mắn, nhiều tiền tài. Thông thường, để bày bàn thờ ngày Tết các gia đình cần chuẩn bị đồ trang trí, đồ thờ cúng.
Tùy theo mỗi vùng miền, đồ bày bàn thờ Tết sẽ có sự khác nhau ít nhiều. Tuy nhiên, những đồ vật trang trí không thể thiếu bao gồm: đèn dầu hoặc nến thơm, 2 lọ hoa, một cành đào hoặc mai, một lọ đựng cây vàng, cây bạc.
Một trong những lưu ý quan trọng cho các gia đình đó là chuẩn bị đồ cúng sao cho đúng cách. Hầu hết các bàn thờ Tết đều cần có rượu, trầu cau, vàng bạc, bánh chưng hoặc bánh tét, đặc biệt là mâm ngũ quả đầy đặn.
2. Cách trang trí bàn thờ ngày tết miền Bắc, Trung, Nam
Phong tục ngày Tết ở ba miền Bắc – Trung – Nam không có quá nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên, mỗi vùng miền lại có nét đặc trưng văn hóa riêng, bởi vậy mà cách bày bàn thờ ngày Tết mỗi miền cũng có sự khác nhau.
Bàn thờ ngày Tết miền Bắc
Cách bày bàn thờ ngày tết miền Bắc thường chú ý tuân thủ nhiều nguyên tắc hơn so với bàn thờ Tết miền Trung và miền Nam.
Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường bày trí đầy đặn dựa theo ngũ hành tương sinh có đủ 5 màu tương ứng của ngũ hành. Hầu như không có quy định bắt buộc loại quả nào được và không được đặt trên bàn thờ nhưng bưởi và chuối là không thể thiếu. 3 loại quả còn lại tùy thuộc vào sở thích của mỗi gia đình, có thể là quất, quýt, táo, na, thanh long,…
Với các gia đình miền Bắc, mâm cỗ cúng Tết cũng không thể thiếu. Nguyên tắc để chuẩn bị và bày biện mâm cỗ tính theo bát thường là 4 bát – 4 đĩa, 6 bát – 6 đĩa hoặc 8 bát – 8 đĩa.
Bàn thờ ngày Tết miền Trung
Trang trí bàn thờ Tết của người miền Trung không quá câu nệ như người miền Bắc. Bởi vậy mà mâm ngũ quả của họ tùy thuộc vào sở thích của mỗi gia chủ.
Người miền Trung không hay dùng các loại trái cây có vị đắng mà chỉ chọn loại có vị ngọt, tròn, lâu hư để trưng lên mâm ngũ quả để cầu an vui, hạnh phúc. Bên cạnh đó, bàn thờ ngày Tết của họ cũng thường có các loại bánh như bánh tét, bánh in, bánh tổ, bánh đậu xanh,
Bàn thờ ngày Tết miền Nam
Không quá nguyên tắc trong cách bày biện bàn thờ như người miền Bắc, thế nhưng với người miền Nam mâm ngũ quả nhất định phải có cầu – dừa – đu đủ – xoài cát – sung.
Trên bàn thờ miền Nam cũng thường có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò…
II. Bày bàn thờ Thần Tài ngày Tết
Theo dân gian, Thần Tài là vị thần cai quản tiền tài, vàng bạc cho gia đình. Cách bày bàn thờ Thần Tài ngày Tết đúng cách sẽ giúp công việc làm ăn cả năm của gia chủ thịnh vượng, may mắn và nhiều tài lộc.
Các lễ vật cần chuẩn bị để bày trí bàn thờ Thần Tài gồm:
- Bình hoa
- Tôm 1 con, cua 1 con còn sống, to khỏe
- Cá lóc đã nướng
- Heo quay 1 miếng.
- Tiền, vàng mã 1 bộ.
- 1 đĩa ngũ quả
- Rượu 1 bình.
- Vàng 100 thỏi
Cách bày bàn thờ Thần Tài ngày Tết như sau:
- Bài vị thần tài đặt chính giữa Chiêu Tài Tiến Bảo;
- Bát hương nên chọn loại bằng sứ, đá hoặc kim loại như đồng, bạc, đặt chính giữa bàn thờ ở vị trí nghiêm trang nhất.
- Mâm ngũ quả đặt dưới đất ngay chân bàn thờ Thần Tài.
- Ba bình rượu, gạo, muối đặt hai bên Thần Tài phía sau bát hương.
- Với các lễ vật khác, sắp xếp ra từng bát, đĩa riêng. Khi bắt đầu làm lễ, các đĩa cần đặt hết lên bàn thờ. Trường hợp bàn thờ không đủ để đặt hết các lễ vật có thể đặt ngay phía trước.
III. Cách bày bàn thờ gia tiên ngày Tết
Bàn thờ gia tiên ngày Tết là nơi để thờ cúng và bày tỏ kính trọng đến ông bà tổ tiên. Sau khi đã lau dọn sạch sẽ, gia chủ tiến hành trang trí bàn thờ gia tiên ngày Tết ngay ngắn, gọn gàng.
Cách sắp xếp bàn thờ gia tiên ngày Tết:
- Bàn thờ hướng quay ra cửa chính.
- Bát hương ngay ngắn chính giữa bàn thờ.
- Nếu bàn thờ gia tiên thờ chung cả nội và ngoại cần sắp xếp họ ngoại đặt bên phải, nội đặt bên trái. Các vật dụng không che di ảnh của ông bà, tổ tiên.
- Lễ vật cúng ông bà, tổ tiên gồm: quần áo, tiền vàng, hương hoa; một đĩa hoa quả lớn đặt chính giữa; một bình rượu. Xung quanh bàn thờ có thể bày biện thêm kẹo, mứt sao cho đảm bảo cân đối, hài hòa.
- Với mâm lễ cúng tổ tiên cần đảm bảo đầy đủ các món truyền thống như: gà luộc, xôi bánh chưng hoặc bánh tét, giò chả,… được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt.
IV. Trang trí bàn thờ ông địa ngày Tết
Ông Địa hay còn gọi là Thổ Công, là vị thần cai quản nhà cửa, đất đai của gia đình. Thông thường, Thần Tài và ông Địa thường được đặt cùng nhau. Bởi vậy, cách trang trí bàn thờ ông Địa ngày Tết cũng tương tự như như cách bày trí bàn thờ Thần Tài. Bạn có thể tham khảo cách trang trí bàn thờ Thần Tài phía trên.
V. Lưu ý khi bày bàn thờ ngày Tết
- Giữ bàn thờ sạch sẽ trong suốt dịp Tết, không để đồ tanh hôi, cũ bẩn lên bàn thờ.
- Đảm bảo đủ tứ đại khí: Đất (Bát hương) – Nước (chén hoặc bát nước) – Lửa (đèn hay nến) – Gió (phòng thoáng khí, thanh tịnh)
- Không nên bày vẽ, cúng tiền giả, đồ mã, đồ cũ… chỉ nên trưng đồ tươi, hoa tươi (tịnh tài, tịnh vật).
- Không để những vật quá lớn hay bày quá nhiều đồ lên bàn thờ.
- Mâm ngũ quả nên chọn những quả chưa chín để đêm 30 và mùng Tết vào độ chín sẽ đẹp hơn.
- Cách bày bánh kẹo trên bàn thờ ngày Tết là nên đặt hộp, mâm bánh kẹo ở hai bên cánh bàn thờ.
Trên đây là các cách trang trí bàn thờ ngày Tết đầy đủ và chi tiết nhất. Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ, bạn sẽ có bàn thờ Tết đủ, đẹp thể hiện lòng kính trọng với ông bà tổ tiên, ông Địa – Thần Tài.
Chúc bạn năm mới An khang – Thịnh vượng!