Thủ tục làm hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất mới nhất 2021

Trước sự nóng sốt của bất động sản, nhiều khách hàng và nhà đầu tư đã quay trở lại thị trường này để săn đón lợi nhuận. Tuy nhiên, để có được một giao dịch an toàn, người mua cần nắm chắc cách làm hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất.
Và dưới bài viết sau đây, Nhà Đất Mới sẽ hướng dẫn cũng như đưa thêm một vài thông tin gửi tới bạn.
1. Đặt cọc là gì?
Đặt cọc là việc một bên (bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận cọc) một loại tài sản trong một thời hạn để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Tài sản đặt cọc có thể là một khoản tiền, kim quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác.

2. Có bắt buộc phải làm hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất?
Mặc dù đặt cọc là để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mua bán, song chưa có điều khoản luật nào bắt buộc các bên phải đặt cọc. Tuy nhiên, khuyến khích người mua và bán nên làm hợp đồng đặt cọc để rõ ràng nghĩa vụ cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình ký kết.
3. Nên đặt cọc bao nhiêu?
Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định về số tiền phải đặt cọc. Vì vậy, bên mua và bán được quyền thỏa thuận về mức đặt cọc.
Tuy nhiên, dù pháp luật không quy định nhưng để hạn chế rủi ro thì các bên có thể thỏa thuận ở mức tối đa 30% giá trị hợp đồng chuyển nhượng đối với nhà đất hoặc hợp đồng mua bán đối với nhà.

4. Mức phạt cọc nếu không mua bán nhà đất
Khi bên đặt cọc hoặc bên nhận đặt cọc không giao kết/thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận thì sẽ bị phạt cọc. Mức phạt cọc được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
– Nếu hợp đồng được giao kết/thực hiện thì tài sản đặt cọc được trừ trong giá trị hợp đồng mua bán hoặc trả lại cho bên đặt cọc.
– Nếu bên đặt cọc không chấp nhận việc giao kết/thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.
– Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết/thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
Theo đó, mức phạt cọc được quy định như sau:
– Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết/thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc (mất số tiền đặt cọc).
– Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết/thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc. Đó có thể là trả lại tiền đặt cọc và bị phạt cọc một khoản tiền tương đương với số tiền đặt cọc.
Lưu ý: Các bên có thỏa thuận khác như không phạt cọc hoặc phạt cọc theo mức thấp hơn, cao hơn số tiền đặt cọc thì thực hiện theo thỏa thuận đó với điều kiện nội dung thỏa thuận không trái luật, đạo đức xã hội.

4. Hướng dẫn làm hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất mới nhất năm 2021
Bước 1: Soạn thảo hợp đồng đặt cọc
Bên mua và bán soạn thảo hợp đồng theo mẫu sau: Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất
Bước 2: Công chứng hợp đồng đặt cọc
Bên mua hoặc bán hoàn thiện hồ sơ và nộp trực tiếp tại tổ chức hành nghề công chứng để chứng thực (Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng).
Bước 3: Hoàn tất làm hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất
Sau khi công chứng hợp đồng đặt cọc, bên mua và bán mỗi bên giữ 01 bản. Hợp đồng đặt cọc có hiệu lực trước ngày diễn ra lần thanh toán tiếp theo trong hợp đồng giao dịch.

Hy vọng thông qua bài viết trên đây, bạn sẽ nắm được thủ tục làm hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất mới nhất 2021. Chúc bạn sẽ có một giao dịch an toàn và thành công!