Đối tượng được thuê nhà công vụ là ai – Thủ tục thuê nhà như thế nào?

Trong bất động sản, thuật ngữ nhà công vụ không còn quá xa lạ, nhưng để hiểu chính xác về thuật ngữ này thì không phải ai cũng biết. Vậy nhà công vụ có phải chỉ dành riêng cho cán bộ công chức hay không? Muốn thuê nhà công vụ cần những hồ sơ, giấy tờ gì?
Nếu bạn cũng đang có chung mối quan tâm này, hãy cùng Nhà Đất Mới tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Nhà công vụ được định nghĩa như thế nào?
Tại luật Nhà ở 2014 có quy định, nhà công vụ là nhà được xây dựng trên nguồn quỹ công do Nhà nước cấp. Khác với nhà ở thông thường, ngoài việc dùng để ở nhà công vụ còn có chức năng như tiếp khách hoặc phục vụ các công việc chung khác.
Thời gian sử dụng nhà công vụ chỉ được trong một thời gian nhất định.

2. Đối tượng được thuê nhà công vụ
Cũng theo luật Nhà ở 2014, đối tượng được thuê nhà công vụ là những người làm việc công. Nghĩa là những cán bộ có chức, có quyền hoặc người làm nhiệm vụ đặc thù cho Tổ quốc. Cụ thể, đối tượng thuê nhà công vụ được chia làm 7 nhóm chính.
- Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ
- Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội không thuộc diện quy định tại điểm a khoản 5 được điều động, luân chuyển công tác đến công tác tại các cơ quan trung ương giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên; được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương giữ chức vụ từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở và tương đương trở lên.
- Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội không thuộc diện quy định tại điểm b khoản 5 điều 32 được điều động, luân chuyển đến công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang
- Giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo
- Bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo
- Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật khoa học và công nghệ

3. Điều kiện thuê nhà công vụ
Các điều kiện thuê nhà công vụ không giống nhau vì còn phụ thuộc vào nhóm đối tượng thuê nhà. Nếu người muốn thuê là cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thì phải đang trong thời gian đảm nhận chức vụ và sẽ được bố trí theo yêu cầu an ninh. Đối với 6 nhóm đối tượng còn lại, điều kiện để thuê nhà công vụ là phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác.
4. Nhà công vụ bao gồm mấy loại?
Nhà công vụ theo điều 32 luật Nhà ở 2014 gồm 8 loại.
- Biệt thự loại A: dành cho các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
- Biệt thự loại B: cho đối tượng có chức danh với hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên, trừ các chức danh tại Khoản 1 Điều 32
- Căn hộ chung cư loại 1: được bố trí cho các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 – 10,4
- Căn hộ chung cư loại 2: được bố trí cho các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên; Trung tướng, Thiếu tướng trong các lực lượng vũ trang, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và các chức danh tương đương
- Căn hộ chung cư loại 3 tại khu vực đô thị hoặc căn nhà loại 1 tại khu vực nông thôn: được bố trí cho các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 – 1,3; chuyên viên cao cấp; giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thông, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; Đại tá, Thượng tá, Trung tá trong các lực lượng vũ trang, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và các chức danh tương đương
- Căn hộ chung cư loại 4 tại khu vực đô thị hoặc căn nhà loại 2 tại khu vực nông thôn: được bố trí cho các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 – 7; chuyên viên chính; giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; Thiếu tá, Đại úy trong các lực lượng vũ trang
- Căn hộ chung cư loại 5 tại khu vực đô thị hoặc căn nhà loại 3 tại khu vực nông thôn: được bố trí cho các chức danh chuyên viên (A0, A1) hoặc các chức danh tương đương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; sĩ quan từ Thiếu úy – Thượng úy trong các lực lượng vũ trang, quân nhân chuyên nghiệp
- Căn nhà loại 4 tại khu vực nông thôn: được bố trí cho các chức danh công chức loại B, C, quân nhân chuyên nghiệp; giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế có chức danh tương đương đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo

5. Thủ tục thuê nhà ở công vụ
Để thuê được nhà ở công vụ, các đối tượng cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Đơn đề nghị thuê nhà ở công vụ theo mẫu có xác nhận của cơ quan đang trực tiếp quản lý
Bản sao quyết định bổ nhiệm, điều động, luân chuyển công tác có xác nhận của cơ quan ra quyết định hoặc cơ quan đang trực tiếp quản lý cán bộ, công chức
Bước 2: Nộp hồ sơ
Tổ chức đang trực tiếp quản lý người có nhu cầu thuê nhà ở công vụ trong 10 ngày từ khi nhận đơn đề nghị thuê nhà ở công vụ sẽ kiểm tra và có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét để quyết định cho thuê nhà hay không
Đối với nhà ở công vụ của Chính phủ: Cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý người có nhu cầu thuê nhà ở công vụ đăng ký thuê nhà ở công vụ với Bộ Xây dựng
Đối với nhà ở công vụ của các Bộ, ngành được giao quản lý: Cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, ngành đó đang quản lý người đề nghị thuê nhà ở công vụ đăng ký thuê nhà ở công vụ với cơ quan quản lý nhà ở công vụ trực thuộc Bộ, ngành nêu trên
Đối với nhà ở công vụ của địa phương do UBND cấp tỉnh quản lý: Cơ quan, tổ chức đang quản lý người đề nghị thuê nhà ở công vụ đăng ký thuê nhà với Sở Xây dựng
Bước 3: Xem xét giải quyết hồ sơ
Căn cứ vào quỹ nhà ở công vụ hiện có và tiêu chuẩn nhà ở công vụ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét việc phê duyệt đơn đề nghị thuê nhà công vụ. Kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý người có nhu cầu thuê nhà ở công vụ, thời hạn đưa ra quyết định là trong vòng 20 ngày. Nếu không đủ điều kiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Bước 4: Ký kết hợp đồng cho thuê nhà ở công vụ
Đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ, cơ quan đang trực tiếp quản lý người thuê và người được thuê nhà ở công vụ sẽ nhận được Quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, các cơ quan sẽ cùng phối hợp trong việc quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành, bên thuê và bên cho thuê sẽ trao đổi và ký kết hợp đồng.
Bước 5: Thanh toán tiền nhà ở
Số tiền phải thanh toán nhà ở công vụ được ghi rõ trong hợp đồng, bên thuê phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ và đúng hạn.

Trên đây là toàn bộ các thông tin liên quan tới nhà ở công vụ như đối tượng, điều kiện, thủ tục,… Hi vọng những chia sẻ của Nhà Đất Mới đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nhà ở công vụ, để từ đó áp dụng hiệu quả vào trong thực tế.
Nguồn : Nhadatmoi.net