Doanh nghiệp bất động sản “than khó” trong tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ
Trải qua một thời gian khó khăn sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng đang mong ngóng từng ngày để được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ. Nhưng việc này liệu có dễ như tưởng tượng?
1. Doanh nghiệp háo hức rồi lại “khóc ròng”
Theo thông tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ngày 15/4, sẽ dành khoảng 18 nghìn tỷ đồng trong gói 62 nghìn tỷ để hỗ trợ các doanh nghiệp vay không lãi suất và trả lương cho người lao động bị thất nghiệp.
Cùng với đó, Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh, sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh. Trong đó có 02 gói hỗ trợ quan trọng gồm gói tín dụng 250 nghìn tỷ đồng và gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo nghị định về gia hạn tiền thuê đất và thuế cho các đơn vị chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, sẽ gia hạn thêm 05 tháng với các khoản thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng,… Giá trị ước tính khoảng 30 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc một doanh nghiệp địa ốc cho biết, đã tìm hiểu về các thông tin hỗ trợ của Chính phủ nhưng với các điều kiện đưa ra thì gần như doanh nghiệp của ông khó có thể chạm tới.
Ông cho hay “ Việc vay không lãi suất quy định doanh nghiệp phải trả trước 50% lương tối thiểu cho nhân viên. Đây là một trở ngại lớn đối với chúng tôi khi thời gian dịch bệnh vừa qua, đơn vị không có doanh thu, phải đi vay ngân hàng để trả lương người lao động. Do đó, tiến độ giải ngân đã bị chậm hơn bình thường nên tôi khó có thể vay thêm để trả tiếp lương cho nhân viên”.
Theo thông tin, trong gói hỗ trợ vay không lãi suất để trả lương, các tiêu chí đưa ra gồm: Có trên 20% nhân viên hoặc trên 30 nhân viên làm việc theo hợp đồng lao động phải ngừng việc liên tục trên 01 tháng (từ ngày 1/4 đến 30/6). Đồng thời, đơn vị gặp khó khăn về tài chính, không chi trả 100% lương cho người lao động nhưng phải trả trước 50% tiền lương cho nhân viên trong khoảng thời gian trên. Đặc biệt, không nằm trong diện nợ xấu tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng tính đến cuối năm 2019.
Với các điều kiện trên, đơn vị không cần phải có tài sản thế chấp nhưng cần có kế hoạch trả nợ. Đồng thời, phải cam kết dùng tài sản cùng các nguồn doanh thu hợp pháp để trả nợ khi đến hạn, nếu quá hạn, doanh nghiệp sẽ bị tính lãi suất tiền vay là 12%/năm.
Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ cho đơn vị vay theo số lao động ngừng việc thực tế hàng tháng, nhưng tối đa trong 03 tháng (từ 1/4 đến 30/6/2020) và không quá 50% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng. Thời hạn cho vay dưới 12 tháng và phải đầy đủ giấy tờ như: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, chứng chỉ hành nghề, bản sao báo cáo tài chính các năm, danh sách lao động ngừng việc có xác nhận công đoàn cơ sở, xác nhận cơ quan BHXH,,…
Anh Nguyễn Quang An – Phó tổng giám đốc một sàn giao dịch bất động sản chia sẻ, đơn vị có khoảng gần 60 nhân sự, từ tháng 02 đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công ty đã phải có những cách ứng phó khác nhau. Tuy nhiên để vượt khó cùng người lao động và duy trì thu nhập cho họ, công ty chỉ cắt giảm giờ làm, bố trí cho nhân viên làm giãn giờ, luân phiên.
“Thực tế, nhân viên vẫn có việc làm nhưng thời gian làm giảm một nửa so với trước. Trong khi gói hỗ trợ quy định công ty phải có trên 30 lao động ngừng việc liên tục trên 01 tháng, công ty tôi đã bị gạch tên ra khỏi danh sách đầu tiên” – anh An chia sẻ.

2. Chế tài cần nối dài theo thực tế
Gói hỗ trợ của Chính phủ trước tình hình hiện tại là rất cần thiết, tuy nhiên việc tiếp cận lại không dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp sau khi biết thông tin đã chủ động liên hệ với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để làm việc. Nhưng do chưa nhận được thông tư hướng dẫn từ Chính phủ nên các ngân hàng vẫn chưa dám hỗ trợ.
Chị Phương – Giám đốc tài chính một công ty chia sẻ, khi biết thông tin gói hỗ trợ, để đảm bảo tài chính công ty và cho các dự án sắp tới, chị đã tìm hiểu từ các ngân hàng đang là đối tác với công ty để làm các thủ tục vay theo lãi suất ưu đãi. Nhưng ngân hàng đưa ra điều kiện là phải chứng minh thu nhập để trả nợ, phải có tài sản thế chấp,… “Hỗ trợ như vậy thì đâu có khác hình thức vay thông thường” – chị Phương cho hay.
“Đơn vị chúng tôi cũng được khuyến cáo thêm là nếu làm đơn xin vay hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Đơn vị sẽ khó vay vốn về sau bởi bị xếp vào diện cảnh báo không an toàn, bị đánh giá mức ở tín nhiệm thấp” – chị Phương cho biết thêm.

Các gói hỗ trợ đang thiếu sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng triển khai đến các doanh nghiệp
Theo ý kiến của nhiều đại diện doanh nghiệp bất động sản, thời điểm hiện tại rất ít đơn vị có tài sản là bất động sản thế chấp đủ điều kiện vay. Bởi đa phần các công ty bất động sản đều đi thuê mặt bằng, văn phòng làm việc.
Nếu để đảm bảo tài sản thế chấp cho vay thì chỉ có nhà ở cá nhân của thành viên trong doanh nghiệp mới đạt yêu cầu. Về phía ngân hàng cho biết, các gói hỗ trợ đưa ra phải chịu sự kiểm soát, ngân hàng có thể cho đơn vị vay, nhưng nếu đơn vị có “sức khỏe” tài chính kém thì rủi ro ngân hàng phải chịu trách nhiệm là rất lớn.
Hiểu cái khó của ngân hàng, nhưng doanh nghiệp cần nguồn vốn hỗ trợ như người bệnh cần máy trợ thở để có thể ổn định lại hoạt động, trả chi phí nhân công, phí cố định, tái sản xuất và ký quỹ kinh doanh.
Nắm được những bất cập trên, Bộ Công thương đã có văn bản trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng tiến hành giãn nợ, giảm lãi suất cho vay và tái cấp vốn hợp lý. Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị các tổ chức ngân hàng đơn giản hóa thủ tục hành chính chứng minh đơn vị bị ảnh hưởng dịch bệnh, điều kiện cơ cấu nợ và nguồn trả nợ.
Đây được xem là những giải pháp kịp thời, nhanh chóng mang tính thực tiễn để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ một cách dễ dàng.