Giá bán căn hộ tại Hà Nội hiện đã chạm ngưỡng và đi ngang, trong khi giá căn hộ tại TP.HCM hiện đã quá cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ “bong bóng”. Chính vì vậy, nếu nhà đầu tư nhảy vào phân khúc này với mong muốn kiếm lời nhanh thì chỉ có “móm”.
1. Căn hộ TP.HCM có dấu hiệu sốt “ảo”
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, trong khoảng 02 năm trở lại đây, làn sóng dịch chuyển xu hướng đầu tư bất động sản từ các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM ra các thị trường mới như Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Nghệ An,… ngày càng trở nên rầm rộ.
Lý giải cho sự dịch chuyển này là do quỹ đất nhà phố tại TP.HCM và Hà Nội đã cạn kiệt. Trong khi đó, hiện nay, phân khúc căn hộ chung cư ở Hà Nội đã có giá bán chạm tới ngưỡng đỉnh và đang đi ngang, người mua hiện nay hầu hết là người mua với nhu cầu ở thực. Với giới đầu tư, nếu họ nhảy vào đầu tư căn hộ Hà Nội tại thời điểm này với mong muốn lướt sóng kiếm lời thì chỉ có thất bại.
Còn đối với căn hộ tại TP.HCM, trong 02 năm gần đây, rất ít dự án mới được chấp thuận đầu tư. Trong khi đó, mức giá bán lại quá cao. Giá bán căn hộ tại thị trường này tăng mạnh trong thời gian qua, trung bình từ 05 – 07%, thậm chí có một số khu vực tăng 10% và tiềm ẩn dấu hiệu của “bong bóng”.
Với những nguyên nhân trên, các nhà đầu tư có xu hướng tìm đến những thị trường mới mẻ và an toàn hơn. Đây là những địa phương có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, có nhiều tiềm năng để phát triển và đặc biệt là quỹ đất lớn, giá đất còn khá mềm và tiềm năng sinh lời trong tương lai lớn.
Quan điểm của các nhà đầu tư bất động sản luôn là săn tìm cơ hội ở những vùng đất giàu tiềm năng, có thế mạnh về du lịch biển, có cơ sở hạ tầng đầu tư mạnh và mức giá còn ngưỡng thấp.
“Ví dụ tại Quy Nhơn năm 2018, giá các dự án ở đây chỉ dưới 10 triệu/m2. Nhưng đầu năm 2019, giá đã lên tới 15 – 17 triệu/m2, thậm chí cuối năm 2019 còn có những dự án đã tăng lên đến 20 triệu. Do đó, những nơi giá bán tăng và chưa có xu hướng quay đầu chính là khẩu vị ưa thích của giới đầu tư”, ông Đính nhấn mạnh.

2. Đâu là những “thị trường mới” hấp dẫn?
Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, nên có cái nhìn rộng hơn về xu hướng dịch chuyển thị trường bất động sản trong bối cảnh như hiện nay.
Theo ông Thành, quan điểm cho rằng làn sóng dịch chuyển khỏi Hà Nội và TP.HCM do pháp lý khiến dự án triển khai khó khăn và quỹ đất ngày càng khan hiếm là đúng, song nếu nhìn về tương lai trung và dài hạn thì đây không phải là lý do chính. Bởi lẽ, chừng nào quỹ đất ở những đô thị mới vẫn còn thì xu hướng dịch chuyển vẫn sẽ diễn ra.
Ông Thành cho rằng, dịch chuyển hiện nay có 03 xu hướng là dịch chuyển theo phân khúc, dịch chuyển theo vùng và dịch chuyển về lối sống, cách sống (xu hướng dịch chuyển quan trọng nhất).
Thực tế, xu hướng dịch chuyển không chỉ xuất hiện ở lĩnh vực bất động sản mà còn cả ở công nghệ thông tin, công nghiệp và năng lượng. Đồng thời, không chỉ dịch chuyển ở những địa phương có tiềm năng du lịch biển mà cả những tỉnh mạnh công nghiệp như Tây Nguyên,…
“Dù phát triển vùng nào, phân khúc nào thì bất động sản cần phải đảm bảo được 03 yếu tố đó là: Tiện ích hệ sinh thái, thuận tiện di chuyển và quan trọng nhất phải sạch, bảo vệ môi trường. Địa phương nào đáp ứng được cả 03 yếu tố này sẽ là những thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư”, ông Thành chia sẻ.