Covid chưa qua, nhà phố cho thuê mặt bằng đã dần “chết đứng”

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, không chỉ nền kinh tế – xã hội mà bất động sản cũng đang chịu tác động khá mạnh. Điển hình các phân khúc nhà riêng lẻ, nhà phố cho thuê mặt bằng kinh doanh đang dần “lao đao”, khi rất nhiều người thuê chấp nhận “giơ cờ trắng” để không chịu lỗ nặng.
1. Bất động sản cho thuê “điêu đứng” trong Quý I/2020
Hầu hết khách thuê nhà phố là các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ khi xuất hiện Covid, doanh thu của họ bị sụt giảm đột ngột. Theo các chuyên gia, trung tâm thương mại cũng không nằm ngoài tầm bị ảnh hưởng, nhưng mức thiệt hại không nặng như nhà cho thuê.
Đa phần hiện nay các cá nhân, doanh nghiệp đều thuê nhà nguyên căn để kinh doanh với giá thuê khá cao. Do đó, đây là một trong những lý do khiến người đi thuê phải đóng cửa, tạo ra “làn sóng” trả lại mặt bằng kinh doanh.

Từ khi bùng dịch tại Việt Nam, không ít cửa hàng tại một số tuyến phố như Trúc Bạch, Chùa Bộc, Hoàng Cầu, Kim Mã,… đã phải tạm thời đóng cửa, trả cửa hàng hay sang nhượng mặt bằng, bởi kinh doanh ế ẩm, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng.
Cùng cảnh, những nơi tập trung đông khách du lịch như phố cổ Hà Nội, một số cửa hàng tại tuyến phố lớn như Hàng Than, Hàng Đào, Lương Văn Can, Hàng Bông,… nhiều tháng nay cũng rơi vào cảnh đìu hiu không kém. Các quán bar như 1900, Hay, phố Tạ Hiện – nơi tập trung giới trẻ đông bậc nhất Thủ đô, cũng đưa ra thông báo đóng cửa cho đến khi hết dịch.

Chị Thu Hồng, chủ cửa hàng thời trang xuất khẩu ở 20 phố Hàng Nón cho biết: “Tôi mới đóng nửa năm tiền thuê cửa hàng ngay trước Tết nguyên đán. Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, người dân hạn chế ra đường, việc buôn bán, kinh doanh cũng trở nên khó khăn do tôi chưa chưa biết cách bán hàng online. Hiện tại, tôi đang tính đến sang nhượng mặt bằng để cắt lỗ. Dẫu biết rằng sang nhượng vào thời điểm này thì chắc chắn phải chịu thua lỗ chứ đừng nói tới chuyện hòa vốn. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp diễn theo đà này, doanh thu âm liên tiếp, tôi cũng không thể duy trì thêm để lỗ nặng hơn,…”.
Còn anh Quốc Minh, chủ cửa hàng kinh doanh tại số nhà 33 phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, công việc kinh doanh của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Học sinh, sinh viên thì vẫn nghỉ học, người dân tuân theo lệnh giãn cách xã hội nên không ra ngoài, khách du lịch giảm đáng kể. Do mấy tháng rồi không có doanh thu, tôi chỉ còn cách trả lại mặt bằng để chuyển sang hình thức kinh doanh online nhằm tiết kiệm chi phí”.
Từ thực trạng trên, rất nhiều người thuê đã ngậm ngùi không gia hạn thêm hợp đồng thuê. Hoặc vẫn tiếp tục thuê nhưng tạm thời đóng cửa các chi nhánh bán lẻ và xin chủ nhà giảm tiền thuê trong suốt thời gian dừng hoạt động.

2. Câu trả lời từ các chủ cho thuê
Nhận thấy nhưng khó khăn hiện tại của người đi thuê và lợi ích lâu dài của bản thân, nhiều chủ cho thuê đã không ngần ngại giảm mức cho thuê mặt bằng từ 20 – 30%.
So với Quý 4/2019, giá cho thuê mặt bằng đã giảm đến 30% tại những khu vực ngoài trung tâm thành phố. Còn tại những vị trí trung tâm, tùy trường hợp cụ thể mà giá cho thuê mặt bằng cũng giảm từ 10 – 30%.
Tuy nhiên, người đi thuê vẫn đang “than thở” rằng kinh doanh còn chưa hoàn vốn thì lấy đâu chi phí để tiếp tục giữ mặt bằng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến “làn sóng” trả lại mặt bằng kinh doanh. Thông thường, cứ sau Tết Nguyên đán là tới “mùa” trả mặt bằng do nhiều cá nhân, doanh nghiệp quyết định không tái ký hợp đồng thuê.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tần suất trả mặt bằng có cao hơn mọi năm. Nhà thuê trống nhiều, tâm lý của bên cho thuê vẫn muốn “sống sót” qua mùa dịch nên đã có sự cân đối để giảm nhẹ giá thuê.
Còn khách thuê cũng thận trọng hơn trong việc sang nhượng do sợ “hớ”, khó tìm lại mặt bằng phù hợp về sau. Khiến bất động sản cho thuê trên thị trường diễn ra với tốc độ chậm hơn so với những năm trước.
Khó có thể xác định thời điểm dịch kết thúc, vậy nên việc chủ cho thuê giảm giá nhằm “giữ chân” người thuê, tiếp tục duy trì nguồn doanh thu hàng tháng, hay người thuê “cắn răng” chấp nhận thuê tiếp đều là một dấu hỏi lớn.