Nhà ở hình thành trong tương lai có được thế chấp hay không?

Nhà ở hình thành trong tương lai là những công trình đang xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Vậy loại hình bất động sản này có thể dùng làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng được hay không? Bài viết sau đây sẽ làm rõ cho bạn.
1. Điều kiện thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Luật Nhà ở 2014 cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai nếu bên thế chấp và nhận thế chấp đảm bảo được các điều kiện sau:
– Nhà ở hình thành trong tương lai đem thế chấp phải hoàn thiện xong phần móng.
– Trường hợp chủ đầu tư thế chấp toàn bộ hoặc một phần dự án thì phải có:
- Hồ sơ dự án.
- Thiết kế kỹ thuật của dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao/cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Trường hợp cá nhân, hộ gia đình thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai trên đất hợp pháp của mình thì phải có:
- Sổ đỏ hoặc giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.
- Giấy phép xây dựng (trường hợp phải xin cấp phép xây dựng).
– Trường hợp cá nhân, hộ gia đình thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai mua nhà của chủ đầu tư dự án thì phải có:
- Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai đã ký với chủ đầu tư.
- Văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở (trường hợp là bên nhận chuyển nhượng).
- Giấy tờ chứng minh đã thanh toán tiền mua nhà cho chủ đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Nguyên tắc đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Cũng như các giao dịch thế chấp thông thường khác, nguyên tắc đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai cụ thể như sau:
– Các bên tham gia hợp đồng thế chấp phải tự chịu trách nhiệm đối với các nội dung thỏa thuận về giá trị tài sản và nghĩa vụ được bảo đảm.
– Trường hợp đã đăng ký thế chấp quyền tài sản (quyền trị giá tính bằng tiền) phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở thì không được đồng thời đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đó. Ngược lại, nếu đã đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thì không được đồng thời đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở.
– Trường hợp chủ đầu tư đã đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thì trước khi bán, chủ đầu tư phải làm thủ tục thay đổi nội dung thế chấp đăng ký trước đó. Ngoại trừ trường hợp chủ đầu tư, bên mua và bên nhận thế chấp có thỏa thuận khác.

Có thể bạn quan tâm: Mua nhà ở hình thành trong tương lai và những lưu ý quan trọng
3. Thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Để thế chấp nhà ở trong tương lai, chủ sở hữu nhà ở đó cần tuân theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Chủ sở hữu nhà ở hình thành trong tương lai muốn thực hiện việc thế chấp cần phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ như:
– Đơn đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai (theo mẫu).
– Hợp đồng thế chấp có công chứng.
– Hợp đồng mua bán nhà ở của cá nhân ký với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở.
– Văn bản ủy quyền thế chấp nhà ở theo quy định của pháp luật (trường hợp người đăng ký thế chấp là người được ủy quyền).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi đã chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ trên, người dân đem nộp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương nơi có đất. Tại đây, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và đưa phiếu hẹn trả kết quả cho người dân (nếu hồ sơ hợp lệ). Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan chức năng trả lại hồ sơ kèm theo lý do từ chối tiếp nhận.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm:
- Xem xét, phê duyệt hồ sơ.
- Xác nhận đơn yêu cầu đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
- Sao y bản gốc đơn yêu cầu đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để lưu hồ sơ.
- Ghi thông tin đăng ký thế chấp vào Sổ đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
- Trường hợp có căn cứ để từ chối đăng ký thì phải từ chối bằng văn bản và trả hồ sơ đăng ký.
- Trả kết quả cho cá nhân, hộ gia đình theo lịch hẹn.

Qua bài viết trên đây, hy vọng bạn đã được giải đáp thắc mắc có được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai hay không. Mong rằng bạn sẽ có thêm những thông tin hữu ích trước khi thực hiện các giao dịch liên quan đến loại hình nhà ở này.