Cách “đánh dịch” có 1-0-2 của Việt Nam qua con mắt của người nước ngoài

Ngày 23/4, trang mạng Kommersant.ru của Nga đã cho đăng tải nội dung đánh giá cao hiệu quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Cũng như nhấn mạnh vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN, trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác chống dịch ở khu vực Đông Nam Á sắp tới.
1. Không để bùng dịch, phân loại ngay từ đầu
Sau khi các biện pháp chống dịch phát huy hiệu quả, Việt Nam đã dần nới lỏng lệnh cách ly xã hội được áp dụng từ ngày 1/4 tại các tỉnh, thành phố lớn nhất cả nước, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Bài viết trên trang mạng Kommersant.ru cũng trích báo cáo sáng ngày 22/4 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Theo đó, tổng số ca nhiễm ở Việt Nam đang dừng ở 268 người, 06 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca nhiễm mới, 222 người đã khỏi bệnh và 0 ca tử vong.
Theo bài viết, biện pháp chống dịch của Việt Nam là “có 1-0-2” bởi đây là quốc gia giáp ranh với Trung Quốc – ổ dịch đầu tiên trên thế giới, nhưng đã thoát khỏi đại dịch với 0 ca tử vong.
Bài viết cũng nhấn mạnh sự khác biệt giữa phương thức phòng chống dịch Covid-19 giữa Việt Nam với các nước châu Á. Đó là Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng không cần tiến hành xét nghiệm hàng loạt, mà chủ yếu tận dụng công nghệ số để kiểm soát người tự cách ly.
“Các biện pháp cách ly nghiêm ngặt đã giúp đất nước 95 triệu dân có đường biên giới chung với Trung Quốc này vượt qua được đại dịch. Việt Nam không đủ điều kiện để xét nghiệm trên diện rộng, nên đã chọn cách thức chống dịch với nguồn ngân sách thấp, nhanh chóng chặn đứng các ổ dịch và tích cực phòng bệnh tại chỗ”, bài viết cho hay.
Nội dung bài viết cũng chỉ rõ “bí quyết” của Việt Nam là “phân vùng dịch qua các mức độ rủi ro”. Việt Nam đã chia 63 tỉnh, thành phố của quốc gia thành nhiều khu vực với vùng nguy cơ cao, vùng có nguy cơ và vùng nguy cơ thấp.
Trang tin cũng dẫn đánh giá của chuyên gia tư vấn rủi ro – ông Peter Mumford: “Chính quyền Việt Nam đã hành động đúng ngoài sức mong đợi, kịp thời đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại và cô lập các khu vực có dịch”.
“Chính người dân Việt Nam đã tin tưởng và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là một yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng đại dịch”. Đảng đã kêu gọi người dân đoàn kết và coi “chống dịch như chống giặc”, mỗi người dân là một chiến sĩ giúp đất nước tự tin đối đầu với kẻ thù.

2. Việt Nam dùng “vũ khí tinh thần” để đánh bại Covid-19
“Một tập thể kỷ luật, đoàn kết và có được người chỉ huy tốt bao giờ cũng chiến thắng kẻ thù so với đám đông là những cá nhân vô trách nhiệm, không nghe lời lãnh đạo” – cựu đại sứ Jean-Noel Poirier nói.
Mỹ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và các nước phương Tây được xem là những quốc gia truyền tải các giá trị riêng. Nhưng thực tế, những giá trị đó đang “truyền tải” virus, “một loại virus tràn lan nhanh và mạnh hơn nhiều so với những giá trị mà chúng ta đã từng nhắc tới”, ông Poirier cho hay.
“Ở các quốc gia nằm trong khu vực châu Á, cụ thể hơn là các nước theo tinh thần Nho giáo, đến nay đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, trong khi các quốc gia châu Âu đang phải dốc toàn lực thực hiện”, cựu đại sứ chia sẻ.

Việt Nam ứng phó dịch bệnh với chiến lược đơn giản, bỏ qua lợi ích cá nhân và quyền riêng tư. Bất kỳ ai bị nhiễm, nghi nhiễm đều phải cung cấp danh tính của bản thân và tất cả những người đã tiếp xúc (F1) trong những ngày trước đó, đồng thời liệt kê tất cả địa điểm đã đi qua.
Theo đó, F1 ngay lập tức được đưa tới trung tâm cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Mỗi F1 có trách nhiệm phải thông báo cho người mà họ đã tiếp xúc gần (F2), những người F2 nhận được thông báo phải tiến hành tự cách ly tại nhà và giãn cách xã hội theo quy định.
Thống kê tới ngày 4/4/2020, đã có trên 73 ngàn người đã cách ly tại nhà, tại trung tâm cách ly do quân đội quản lý hoặc bệnh viện. Nếu F1 dương tính, F2 của người đó trở thành F1, sẽ ngay lập tức được đưa tới trung tâm cách ly và xét nghiệm. Cứ như vậy, “công cuộc tìm theo dấu chân người nhiễm và người có nguy cơ lây nhiễm theo cách này là công việc tỉ mỉ hay mất nhiều công sức, ta có thể tự đánh giá qua các số liệu ca nhiễm”, ông Poirier cho biết.
Cách làm này đã đạt được tín hiệu tích cực tại đất nước gần 100 triệu dân như Việt Nam, bởi được toàn dân đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm túc. Ở các nước văn hóa Nho giáo như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc hay Nhật Bản, lợi ích tập thể và quốc phòng luôn đặt lên trên lợi ích cá nhân.
Người bị nghi nhiễm chấp nhận tự nguyện ở lại cách ly trong 14 ngày tại một trại quân sự cách nhà đến cả trăm km, bởi sự hy sinh này được xem là sự cần thiết cho sức khỏe cộng đồng, mọi người không được phép từ chối.
Các biện pháp đang áp dụng tại Việt Nam được coi là “ngục tù” đối với các nước châu Âu, do không phù hợp với nền văn hóa hiện tại. Nhưng chính những giá trị văn hóa này lại là điều kiện thuận lợi để virus lan rộng trên khắp châu Âu.
Phải mất một thời gian để biết được các biện pháp mà Việt Nam cùng các nước châu Á sử dụng có phù hợp hơn biện pháp mà các nước châu Âu đang tiến hành hay không. Nhưng hiện tại, chúng ta tuy không cần phô trương “vỗ ngực” tự hào, nhưng cũng đang ngầm nhắc nhở các nước châu Âu một bài học về tinh thần đoàn kết và sự kỷ luật.