Các loại hình nhà ở thông dụng hiện nay tại Việt Nam

Hòa nhịp cùng sự phát triển cũng như đô thị hóa, các loại hình nhà ở tại Việt Nam ngày càng đa dạng. Vậy hiện nay, có những loại nhà ở nào, đặc điểm của từng loại ra sao cũng như cách phân biệt thế nào? Hãy cùng Nhà Đất Mới khám phá qua bài viết dưới đây.
I. Các loại hình nhà ở tại Việt Nam
Căn cứ Luật nhà ở năm 2014 thì nhà ở được định nghĩa là công trình được xây dựng lên để ở và nhằm mục đích phục vụ cho những nhu cầu sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình.
Theo đó các loại hình nhà ở được phân thành 6 loại bao gồm:
1. Nhà ở riêng lẻ
Đây là loại hình nhà ở mà được xây dựng trên lô đất riêng biệt. Tại đó cá nhân, các hộ gia đình, các tổ chức có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Nhà ở riêng lẻ gồm có các loại là nhà biệt thự, nhà ở độc lập và nhà liền kề.

2. Nhà chung cư
Loại hình nhà chung cư có từ hai tầng trở lên. Nó bao gồm nhiều căn hộ, được thiết kế lối đi cùng cầu thang và hệ thống hạ tầng dùng chung, có phần sở hữu chung và riêng. Nhà chung cư phục vụ các đối tượng là cá nhân, tổ chức và hộ gia đình phân theo mục đích sử dụng chia làm 2 loại là:
- Nhà chung cư mục đích chỉ để ở
- Nhà chung cư mục đích để ở kết hợp với kinh doanh.

3. Nhà ở thương mại
Loại hình nhà ở này được các đơn vị, chủ đầu tư đầu tư xây dựng với mục đích là để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua dựa trên cơ chế của thị trường.
4. Nhà ở công vụ
Các đối tượng trong thời gian công tác hay đảm nhận chức vụ của Nhà nước thuộc diện được thuê ở nhà công vụ mới được phép ở loại nhà này.
5. Nhà ở phục vụ tái định cư
Khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất ở hay tiến hành giải tỏa nhà ở căn cứ pháp luật quy định thì các cá nhân cũng như hộ gia đình tại các khu vực này sẽ được bố trí chỗ ở mới. Nơi đó được gọi là nhà ở tái định cư.

6. Nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ, dành cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở.
Xem thêm: “Xây nhà 2 tầng 300 triệu có được không? Các mẫu thiết kế nhà 2 tầng 300 triệu đẹp“
II. Cách phân biệt theo hạng các loại hình nhà ở Việt Nam
Căn cứ vào Thông tư liên bộ quy định về phân hạng nhà ở tại Việt Nam hiện nay thì có 6 loại nhà ở bao gồm: biệt thự, nhà ở cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4 và nhà ở tạm. Dựa theo đặc điểm, kết cấu xây dựng cùng với giá trị sử dụng để phân biệt các loại nhà này, cụ thể như sau:
1. Biệt thự
Biệt thự trong các loại hình nhà ở phân theo hạng là có giá trị cao nhất, từ kết cấu đến các vật liệu sử dụng, tiện nghi trang bị đều thuộc hàng cao cấp hơn các loại nhà ở khác. Theo đó:
– Đây là loại hình nhà ở riêng biệt, sở hữu thiết kế hàng rào bao quanh và có sân vườn.
– Có kết cấu chịu lực đối với khung, sàn và tường được làm bằng tường gạch hoặc bằng bê tông cốt thép chắc chắn;
– Tường ngăn giữa các phòng với nhau và phần bao che của ngôi nhà cũng làm từ bê tông cốt thép hoặc xây bằng gạch.
– Sử dụng mái ngói hoặc lợp mái bằng. Chúng đều có thiết kế cách âm cũng như cách nhiệt tốt.
– Các vật liệu hoàn thiện được sử dụng để trát, lát, ốp trong, ngoài nhà đều có chất lượng tốt.
– Biệt thự được trang bị đầy đủ các tiện nghi với chất lượng tốt, đảm bảo phục vụ cuộc sống sinh hoạt không thiếu cho gia chủ.
– Theo quy định, biệt thự không hạn chế về số tầng. Tuy nhiên, cần đảm bảo tối thiểu có 2 tầng với mục đích để ở.

2. Nhà cấp 1
– Có kết cấu chịu lực xây gạch hoặc làm từ bê tông cốt thép.
– Theo quy định, nhà cấp 1 có niên hạn sử dụng là trên 80 năm.
– Tường bao che cùng các tường ngăn phòng sử dụng vật liệu gạch hoặc bằng bê tông cốt thép.
– Phần mái có thể lợp ngói hoặc đổ mái bê tông cốt thép được cách nhiệt tốt.
– Trát, lát, ốp cho trong lẫn ngoài nhà bằng vật liệu hoàn thiện chất lượng tốt.
– Công trình nhà ở cấp 1 không giới hạn số tầng.
– Các tiện nghi sinh hoạt được trang bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.

3. Nhà cấp 2
– Nhà cấp 2 có niên hạn sử dụng là trên 70 năm, với kết cấu chịu lực làm bằng gạch hoặc bê tông cốt thép.
– Xây gạch hoặc dùng bê tông cốt thép cho phần tường ngăn và bao che nhà.
– Mái nhà lợp ngói bằng Fibroociment hoặc đổ bê tông cốt thép.
– Các vật liệu hoàn thiện trong lẫn ngoài nhà được sử dụng tương đối tốt.
– Nhà cấp 2 cũng có đầy đủ tiện nghi để sinh hoạt hàng ngày và không hạn chế số tầng xây dựng.

4. Nhà cấp 3
– Có niên hạn sử dụng là trên 40 năm, dùng kết cấu chịu lực xây gạch hoặc là kết hợp cả xây gạch và bê tông cốt thép.
– Bao che nhà cùng với phần tường ngăn đều làm bằng gạch.
– Mái nhà cấp 3 được lợp bằng ngói hoặc Fibroociment.
– Sử dụng vật liệu hoàn thiện là loại phổ thông.
– Trang bị tiện nghi sinh hoạt thuộc loại bình thường.
– Nhà cấp 3 bị hạn chế về số tầng, chỉ được xây dựng tối đa 2 tầng.

5. Nhà cấp 4
– Có kết cấu chịu lực được làm bằng gạch, gỗ. Nhà cấp 4 sử dụng tối đa trong thời gian là 30 năm.
– Vật liệu xây tường ngăn và tường bao che nhà đều bằng gạch, loại tường là 22 hoặc 11cm.
– Mái được lợp ngói hoặc bằng Fibroociment.
– Sử dụng loại vật liệu hoàn thiện có chất lượng thấp.
– Trang bị tiện nghi thấp.

6. Nhà tạm
Do chỉ là nhà tạm, ở tạm thời, không phải lâu dài nên loại nhà ở này được xây dựng cũng tạm bợ, cụ thể:
– Có kết cấu chịu lực làm bằng các vật liệu vầu, gỗ, tre.
– Nhà tạm được bao quanh bởi toocxi và tường đất.
– Mái được lợp lá, rạ.
– Các tiện nghi phục vụ đời sống sinh hoạt thấp. Như vậy qua bài viết này bạn đã biết có các loại hình nhà ở nào ở Việt Nam cũng như cách phân biệt theo hạng nhà. Căn cứ vào đây hy vọng bạn có thể lựa chọn loại hình nhà ở phù hợp cũng như tiến hành xây dựng công trình nhà ở (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.