Bất động sản Việt Nam hậu COVID-19: Mắc kẹt trong “vũng lầy” hay bứt phá mạnh mẽ?
Tính đến giữa tháng 6, về cơ bản, Việt Nam đã khống chế thành công dịch COVID-19. Đây cũng là thời điểm hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh đẩy nhanh tốc độ nhằm khắc phục thiệt hại. Trong đó, sự hồi phục của lĩnh vực bất động sản có lẽ là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Cụ thể, với tình hình hiện tại, giới kinh doanh nhà đất nên vui mừng hay lo lắng? Bài viết sau đây có thể sẽ giúp bạn giải đáp băn khoăn.
Chắc chắn còn nhiều khó khăn
Một tháng rưỡi đã trôi qua kể từ thời điểm thị trường bất động sản rục rịch khởi động sau giai đoạn đóng băng. Thế nhưng, theo thống kê của Bộ Xây dựng, những kết quả thu được trong khoảng thời gian tái vận hành lại chưa thực sự khả quan. Cụ thể, ở quý I, có tới hơn 94% doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 88%. Mức chênh lệch giữa 2 con số cho thấy tình hình đang có tiến triển song khá chậm chạp.

Để có một cái nhìn chi tiết hơn, chúng ta có thể so sánh lượng giao dịch nhà ở thương mại hiện tại và cùng kỳ năm 2019. Với tỷ lệ giảm sút lên tới 86%, tháng 5/2020 đã chính thức nắm giữ “kỷ lục” – thời điểm có mức giao dịch thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Bên cạnh tình trạng mua bán ế ẩm, giới nhà đất ở nước ta còn phải đối mặt với một vấn đề khác không kém phần nghiêm trọng. Đó là sự sụt giảm nặng nề của nguồn vốn FDI. Nếu như 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam thu hút được 1.2 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thì tới nay, con số này mới chỉ dừng lại ở mức 721 triệu USD, tương đương với khoảng 60%.

Theo nhiều chuyên gia tài chính – ngân hàng, với những dấu hiệu kể trên, thị trường nhà đất Việt Nam, về cơ bản, sẽ còn gặp phải vô vàn thách thức ở giai đoạn tới. Trong đó, đáng lo ngại nhất có lẽ là các mặt bằng bán lẻ, biệt thự liền kề và văn phòng cho thuê.
Điểm sáng bất động sản nghỉ dưỡng
Chịu đòn giáng nặng nề bởi dịch bệnh, bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng đã không dưới một lần góp mặt trong danh sách những phân khúc khó phục hồi nhất khi COVID-19 đi qua. Tuy nhiên, các diễn biến mới đây của thị trường nhà đất lại cho thấy một thực tế hoàn toàn trái ngược.

Ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, bất động sản nghỉ dưỡng đã lập tức nhận được sự tiếp ứng mạnh mẽ nhờ chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Với hàng loạt gói ưu đãi hấp dẫn, đây chính là “liều thuốc giảm đau”nhanh, mạnh và hiệu quả nhất cho nền kinh tế nước ta trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp.
Ở một tầm nhìn xa và rộng hơn, chúng ta đã xác định lấy thương mại – dịch vụ làm phương hướng phát triển quốc gia. Trong đó, du lịch được xem là “khung xương sống” với tỷ trọng GDP hoàn toàn áp đảo. Vài năm trở lại đây, hàng loạt tổ hợp trải nghiệm, nghỉ dưỡng mới đã ra đời, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách. Với tiềm năng dồi dào và thành tích kiểm soát dịch bệnh ấn tượng, Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến thu hút đối với dòng khách quốc tế khi các hãng bay vận hành trở lại.

Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh nhưng nhờ có nền tảng vững chắc, các dự báo về ngành công nghiệp không khói của nước ta vẫn cực kỳ tươi sáng. Rất nhiều chuyên gia tin rằng du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong 5 – 10 năm tới, nó có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng dao động từ 12 – 14%/ năm. Đó cũng chính là lý do bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội bứt phá khỏi “vũng lầy sụt giảm”.
Như vậy, nếu nhìn về dài hạn thì bên cạnh khó khăn, thử thách, thị trường nhà đất Việt Nam vẫn có những điểm sáng đầy triển vọng. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là phân khúc bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng. Nếu đủ tiềm lực, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để mở ra cho bản thân cánh cửa lợi nhuận hấp dẫn trong tương lai gần.