Bản đồ quy hoạch thành phố Thái Nguyên, Sông Công, tỉnh Thái Nguyên
Chia sẻ thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2021 – 2030.
Thái Nguyên là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 75 km, và là tỉnh nằm trong Vùng thủ đô Hà Nội. Thái Nguyên là trung tâm kinh tế, chính trị – xã hội của khu vực đông bắc hay cả vùng Trung du và miền núi phía bắc.
Tỉnh Thái Nguyên có 2 thành phố trực thuộc là thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công. Dưới đây, Nhà Đất Mới sẽ chia sẻ đến bạn những thông tin và bản đồ quy hoạch tỉnh Thái Nguyên nói chung và thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công nói riêng.
I. Thông tin, bản đồ quy hoạch tỉnh Thái Nguyên
1. Phạm vi, tính chất lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên
Phạm vi lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh Thái Nguyên, có diện tích tự nhiên 3.536,4 km², bao gồm 9 đơn vị cấp huyện trực thuộc tỉnh, có vị trí tiếp giáp:
- Phía bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn
- Phía tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang
- Phía đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang
- Phía nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội.
Tính chất lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên
- Là tỉnh công nghiệp phát triển,trung tâm kinh tế của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc với nền kinh tế hiện đại, phát triển mạnh về công nghiệp công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường an toàn, bền vững; là trung tâm đào tạo, y tế chuyên sâu và khoa học công nghệ có uy tín lớn ở trong nước, có các trung tâm văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộcvùng Việt Bắc.
- Là vùng đối trọng phía Bắc, phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ y tế, giáo dục, cửa ngõ phía Bắc vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ giao lưu kinh tế – xã hội giữa vùng Trung du và Miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
- Là khu vực phòng thủ vững chắc, địa bàn trọng yếu góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh cho cả vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.
2. Thông tin, bản đồ quy hoạch không gian vùng tỉnh Thái Nguyên
Định phướng phát triển không gian vùng tỉnh Thái Nguyên được phân thành 4 vùng không gian là:
- Phân vùng đô thị – công nghiệp – dịch vụ (Phân vùng trung tâm): Bao gồm thành phố Thái Nguyên và một số xã của huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Lương giáp thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, một phần (phía Tây) của huyện Phú Bình, một phần (phía Đông) thị xã Phổ Yên. Là vùng không gian xây dựng tập trung về đô thị, dịch vụ, tổ hợp công nghiệp cấp quốc gia và vùng. Là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh, có vị thế cấp vùng, là một cửa ngõ của vùng Thủ đô Hà Nội. Là vùng sử dụng đất tập trung, mật độ cao.
- Phân vùng phát triển hỗn hợp: Gồm huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương và một số xã của huyện Đại Từ. Là vùng không gian phát triển hỗn hợp (công nghiệp khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, phát triển dịch vụ, phát triển nông sản hàng hóa, sản xuất chè xanh, chè đen và các loại cây ăn quả). Quỹ đất có thể đầu tư phát triển một số cụm công nghiệp đa ngành nội tỉnh và dịch vụ địa bàn. Là vùng sử dụng đất hỗn hợp, mật độ trung bình và thấp.
- Phân vùng du lịch phía Tây:Gồm huyện Định Hóa và một số xã của huyện Đại Từ, thị xã Phổ Yên. Là vùng chủ đạo phát triển các không gian dịch vụ du lịch, không gian bảo tồn di tích lịch sử cách mạng ATK và các vùng cảnh quan, sinh thái tự nhiên. Sản xuất nông lâm nghiệp theo hình thức kinh tế vườn đồi trang trại. Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, khai thác vật liệu xây dựng. Là vùng sử dụng đất hạn chế, mật độ rất thấp.
- Phân vùng sinh thái phía Đông (huyện Võ Nhai): Là vùng bảo vệ rừng quốc gia, rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Sản xuất nông lâm nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản; khai thác vật liệu xây dựng. Là vùng sử dụng đất hạn chế, mật độ cực thấp.

3. Thông tin, bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Thái Nguyên
a) Hệ thống giao thông quốc gia: Từng bước xây dựng hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy trong vùng theo chiến lược phát triển giao thông vận tải quốc gia, quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 – Vùng thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt.
- Đường bộ: Các tuyến nâng cấp cải tạo gồm có Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B. Tiếp tục hoàn thành tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn. Các tuyến xây mới gồm tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thái Nguyên; tuyến vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đoạn Bắc Giang-Thái Nguyên- Vĩnh Phúc. Nâng cấp đường Tỉnh lộ 269 lên thành Quốc lộ 17 kết nối với tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
- Đường sắt: Nâng cấp cải tạo hai tuyến đường sắt hiện có là tuyến Hà Nội – Thái Nguyên và tuyến Kép – Lưu Xá. Xây mới tuyến đường sắt Thái Nguyên – Tuyên Quang – Yên Bái để kết nối với tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai; tuyến đường sắt nội Vùng Hà Nội kết nối từ ga Bắc Hồng đến trung tâm thành phố Thái Nguyên.
- Đường thủy: Đầu tư mở rộng cụm cảng Đa Phúc theo quy hoạch được duyệt; Duy tu, nạo vét luồng lạch thường xuyên đạt tiêu chuẩn sông cấp III từ ngã ba sông Cầu, sông Công về đến các cảng trong cụm cảng Đa Phúc. Nâng cấp cảng Núi Cốc phục vụ du lịch.
- Bến xe: Xây mới 3 bến xe khách liên tỉnh, đạt bến xe loại 1.

b) Hệ thống giao thông vùng tỉnh: Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, đường huyện hiện có; đầu tư xây mới một số tuyến đường tỉnh trên cơ sở tuyến đường huyện hiện có. Hệ thống đường đô thị được thiết kế theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn của các đô thị xây dựng mới. Các khu vực đô thị nâng cấp, cải tạo yêu cầu đảm bảo lộ giới tối thiểu phù hợp với từng cấp đường, đồng thời bám sát hiện trạng. Đảm bảo mỗi huyện sẽ có ít nhất 1 – 2 bến xe đạt tiêu chuẩn loại IV trở lên.
II. Thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên
1. Phạm vi, tính chất lập quy hoạch thành phố Thái Nguyên
Phạm vi lập quy hoạch thành phố Thái Nguyên bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Thái Nguyên, có diện tích tự nhiên 222,93 km², bao gồm 32 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, có vị trí tiếp giáp:
- Phía bắc giáp huyện Đồng Hỷ và huyện Phú Lương
- Phía nam giáp thành phố Sông Công
- Phía tây giáp huyện Đại Từ
- Phía đông giáp huyện Phú Bình.
Tính chất lập quy hoạch thành phố Thái Nguyên
Xây dựng TP Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – thể dục thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên; là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch, đầu tàu phát triển của Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ; là một cực phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội; là đô thị cửa ngõ, có vai trò kết nối quan trọng giữa Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
- Phát triển các trung tâm đào tạo, y tế chuyên sâu và khoa học công nghệ có uy tín lớn ở trong nước;
- Phát triển các trung tâm văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc vùng Việt Bắc; Cung ứng các dịch vụ du lịch cho Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, Khu ATK Định Hóa,…;
- Phát triển thành trung tâm vận tải đa phương thức với vai trò là đầu mối giao thông quan trọng, nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ;
- Phát triển thương hiệu chè truyền thống, kết hợp với quảng bá hình ảnh bằng những công viên chủ đề, tổ chức các sự kiện thường niên, TP Thái Nguyên sẽ là điểm đến thu hút thương mại, tài chính quốc tế, phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, có giá trị gia tăng và đa dạng;
- TP phát triển bên hai bờ sông Cầu. Không gian đô thị và đặc biệt là không gian kinh tế với mô hình hiện đại, không lệ thuộc vào không gian hành chính, là sự kết hợp hài hòa giữa các khu vực có tính đồng nhất về chức năng (trung tâm chuyên ngành) với các khu vực hỗn hợp và các khu dân cư.
2. Thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Thái Nguyên về phát triển không gian
Quy hoạch phát triển không gian vùng thành phố Thái Nguyên được phân thành 07 khu vực có các tính chất, quy mô diện tích, dân số, định hướng không gian khác nhau, đó là:
2.1. Trung tâm lịch sử hiện hữu
Diện tích khoảng 2000ha, phạm vi bao gồm các phường trung tâm, là khu vực có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, trung tâm hành chính, chính trị của Tỉnh.
2.2. Trung tâm đào tạo giáo dục, y tế chất lượng cao, thương mại,dịch vụ, tài chính
- Khu vực các trường thuộc Đại học Thái Nguyên với diện tích 423,4 ha.
- Cụm y tế chất lượng cao với diện tích khoảng 430 ha, phạm vi thuộc phường Thịnh Đán.
- Khu đô thị phức hợp giáo dục đào tạo chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ với diện tích khoảng 1600ha. Phạm vi thuộc các phường Tích Lương, Trung Thành, Tân Thành.
2.3. Các khu vực cải tạo, nâng cấp
Diện tích khoảng 2800ha. Phạm vi: Phía Bắc là khu vực các phường Tân Long, Quán Triều; Phía Nam là khu vực phường Gia Sàng, Tân Lập, Phú Xá, Cam Giá (trong đó có các khu ở đô thị và khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên)
2.4. Khu vực phát triển
- Khu đô thị Chùa Hang gắn với khu vực xã Đồng Bẩm, diện tích khoảng 700ha.
- Khu đô thị mới Linh Sơn – Huống Thượng, diện tích khoảng 800ha.
- Khu đô thị mới Cao Ngạn, diện tích khoảng 200ha.
- Khu đô thị mới tại xã Đồng Liên, diện tích khoảng 80ha.
- Khu đô thị mới phía Tây TP Thái Nguyên, diện tích 1500ha, phạm vi thuộc địa bàn các xã Phúc Xuân, Quyết Thắng, Phúc Trìu, Tân Cương và Thịnh Đức.

2.5. Khu vực phát triển công nghiệp, logistic phía Bắc
Diện tích khoảng 275ha, phạm vi thuộc khu vực xã Sơn Cẩm, Cao Ngạn. Phát triển khu, cụm công nghiệp (để từng bước di dời các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thị. Các ngành công nghiệp được kiểm soát chặt chẽ, tránh không làm ô nhiễm khu vực sông). Hình thành khu logistic (giao vận, trung chuyển hàng hóa).
2.6. Khu vực du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao
Diện tích khoảng 2300ha, phạm vi thuộc khu vực Đồng Liên, Huống Thượng, Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương.
2.7. Khu dự trữ phát triển và nông nghiệp đô thị
Diện tích khoảng 9300ha, phạm vi thuộc phạm vi các xã Sơn Cẩm, Cao Ngạn, Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên, Phúc Hà, Phúc Xuân, Quyết Thắng, Tân Cương, Thịnh Đức.
TP Thái Nguyên sau khi quy hoạch sẽ là đô thị động lực, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội của toàn Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ, của tỉnh Thái Nguyên nói chung và của các huyện lân cận Thành phố, như: Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình nói riêng, đưa TP Thái Nguyên lên tầm cao mới, phát triển thịnh vượng, xứng đáng là “Thành phố sáng tạo bên sông”.
3. Thông tin, bản đồ quy hoạch giao thông thành phố Thái Nguyên
3.1. Giao thông đối ngoại:
Đường bộ: Hình thành tuyến cao tốc Thái Nguyên – Bắc Kạn, tuyến vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội đoạn Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc, tuyến vành đai 1 vùng tỉnh Thái Nguyên; nâng cấp cải tạo Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 17; hình thành các bến xe đạt tiêu chuẩn loại 1.
Đường sắt: Hình thành tuyến đường sắt Thái Nguyên – Tuyên Quang, tuyến đường sắt nội Vùng Thủ đô Hà Nội cùng nhà ga tại khu vực phía Nam thành phố thuộc phường Trung Thành; nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Lưu Xá – Kép, tuyến Hà Nội – Thái Nguyên; nâng cấp, cải tạo các nhà ga hiện có trở thành đầu mối giao thông hiện đại, có kiến trúc đẹp.
Đường thủy: Nạo vét, khơi thông dòng chảy tuyến sông Cầu; xây dựng bến tàu, thuyền phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, đồng thời phục vụ du lịch.
3.2. Giao thông đô thị:
Phát triển thêm một số tuyến đường chính đô thị, chính khu vực, đường kết hợp đê sông Cầu để tạo kết nối liên thông, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông thành phố. Đường trong các khu phát triển mới được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sự liên kết thuận lợi giữa các khu chức năng đô thị. Phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng.
III. Thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên
1. Phạm vi, tính chất lập quy hoạch thành phố Sông Công
Phạm vi lập quy hoạch thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn bộ phần địa giới hành chính thành phố Sông Công, có diện tích tự nhiên là 98,37 km² với 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, có địa giới hành chính:
- Phía bắc giáp thành phố Thái Nguyên
- Phía Đông giáp huyện Phú Bình
- Phía Tây và phía Nam giáp thị xã Phổ Yên
Tính chất lập quy hoạch thành phố Sông Công:
- Là một đô thị công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên;
- Là trung tâm kinh tế, căn hóa, du lịch, khoa học kỹ thuật khu vực phía Nam của tỉnh Thái Nguyên.
2. Thông tin, bản đồ quy hoạch phát triển không gian vùng thành phố Sông Công
Thành phố Sông Công phát triển trên nền tảng khu vực trung tâm hiện hữu theo mô hình đô thị sinh thái, công nghiệp, đa trung tâm gắn với việc hình thành các khu chức năng: Trung tâm lịch sử hiện hữu; trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, thương mại – dịch vụ, tài chính – ngắn hàng; các khu cải tạo nâng cấp; khu phát triển mới; khu vực phát triển công nghiệp, logistic phía Bắc; khu vực du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao phía Tây; khu dự trữ phát triển và nông nghiệp đô thị. Toàn thành phố Sông Công được xác định 08 khu vực:
- Khu vực I: Khu đô thị trung tâm với các chức năng hành chính – chính trị, văn hóa thể thao, dịch vụ.
- Khu vực II (khu phía Nam): Phát triển khu đô thị mới tập trung tại đây để cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho các khu, cụm công nghiệp.
- Khu vực III (khu phía Đông): Phát triển khu đô thị mới hiện đại, các trung tâm thương mại, mua sắm, bán lẻ, chợ, siêu thị nhăm gắn kết với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Quốc lộ 3.
- Khu vực IV (khu đô thị sinh thái phường Lương Sơn): Duy trì các quỹ đất nông nghiệp đã được xác định giữ lại canh tác và đảm báo thủy lợi, thoát nước, ổn định sản xuất trong quá trình đô thị hóa.
- Khu vực V(khu đô thị dịch vụ công nghiệp, tiện ích): Xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ cao, sạch, an toàn không ảnh hưởng đến môi trường và các dịch vụ tiện ích kèm theo, khu nhà ở ở xã hội phục vụ khu công nghiệp.
- Khu vực VI (khu đô thị sinh thái kết hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao): Tổ chức hệ thống sản xuất theo mô hình nông nghiệp đô thị, quy hoạch sản xuất nông nghiệp gần với đề xuất các mô hình canh tác mới tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, công nghệ cao
- Khu vực VII (khu dân cư nông thôn đô thị hóa kết họp với phát triển nông nghiệp sinh thái): Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao tại những khu vực thuận lợi về quỹ đất.
-Khu vực VIII (khu dân cư nông thôn đô thị hóa kết hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái Hồ Ghềnh Chè): Xây dựng nông thôn mới gắn với việc hình thành các trung tâm dịch vụ nông thôn; ưu tiên phát triển chức năng dịch vụ – du lịch – giải trí gắn với cảnh quan đồi chè, cảnh quan Hồ Ghềnh Chè

3. Thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Sông Công về sử dụng đất
Đến năm 2030, quy mô đất dân xây dựng đô thị khoảng 4.859,60 ha; đất dân dụng khoảng 4.377,38 ha, chỉ tiêu 199 m2/người trong đó: Đất ở: 1.471,98 ha, đất công trình công cộng: 921,87 ha, đất hỗn hợp đa chức năng: 747,70 ha, đất hạ tầng kỹ thuật: 1.362,27 ha; đất ngoài dân dụng 1.179,5 ha; đất khác 2.556,7 ha; đất dự trữ phát triển đô thị 1.597 ha.

Đến năm 2040, quy mô đất dân xây dựng đô thị khoảng 4.979,52 ha; đất dân dụng khoảng 4.497,30 ha, chỉ tiêu 179,7 m2/người trong đó: đất ở: 1.598,81 ha, đất công trình công cộng: 924,62 ha, đất hỗn hợp đa chức năng: 738,06 ha, đất hạ tầng kỹ thuật: 1.362,25 ha; đất ngoài dân dụng 1.179,5 ha; đất khác 2.556,7 ha; đất dự trữ phát triển 1.477 ha.
4. Thông tin, bản đồ quy hoạch giao thông thành phố Sông Công
4.1. Giao thông đối ngoại:
- Đường bộ: Hình thành tuyến Vành đai 5 Vùng thủ đô Hà Nội đoạn Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc, xây dựng tuyến Vành đai 1 tỉnh Thái Nguyên đoạn qua sông Công; Đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới); Nâng cấp cải tạo Quốc lộ 37, Quốc lộ 3, Quốc lộ 17, đường tỉnh lộ ĐT.262; bổ sung tuyến đường Đông Tây kết nối Hồ Núi Cốc (điểm đầu tuyến đường Quốc lộ 37 tại phường Lương Sơn, điểm cuối tuyến kết nối đường ĐT.267 khu vực Không gian văn hóa Trà Tân Cương, thành phố Thái Nguyên).
- Đường Sắt: Nâng cấp cải tạo tuyến đường Sắt Lưu Xá – Kép, tuyến Hà Nội – Thái Nguyên; nâng cấp, cải tạo Nhà ga Lương Sơn trở thành đầu mối giao thông hiện đại, có kiến trúc đẹp.
- Đường thủy: Nạo vét, khơi thông dòng chảy tuyến sông Công, sông Cầu; xây dựng bến tàu, thuyền phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, đồng thời phục vụ du lịch.

4.2. Giao thông đô thị:
- Lộ giới một số tuyến đường theo đồ án điều chính Quy hoạch chung xây dựng thị Xã Sông Công được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2149/QĐ-UBND ngày 17/9/2010 được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố. Giữ nguyên mặt cắt hiện trạng, chỉ chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường trong các khu dân cư hiện có, hình thành ổn định theo quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết phê duyệt.
- Phát triển thêm một số tuyến đường chính đô thị, chính khu vực, phát triển hệ thống đường giao thông nhầm kết nối với các khu chức năng phía Bắc thành phố, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông thành phổ.
- Đường trong các khu phát triển mới được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên kết giữa các khu chức năng đô thị.
- Phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng.
Trên đây là những thông tin và bản đồ quy hoạch mở rộng thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Hy vọng những thông tin hữu ích này sẽ giúp bạn tìm ra được hướng đầu tư đúng đắn nhất.
Ngoài ra, tại chuyên mục THÔNG TIN QUY HOẠCH của chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật những thông tin quy hoạch nhanh chóng, chính xác nhất. Hãy tham khảo thêm nhé!!
Nguồn: Nhadatmoi.net