Âm tính giả Covid-19, đâu là sự thật?
Tương tự 03 bệnh nhân 21, 59, 149 có kết quả xét nghiệm Covid-19 khá phức tạp. Ngày 20 – 4 vừa qua, Bộ Y tế có thông báo bệnh nhân 188 ở Chương Mỹ, Hà Nội dương tính trở lại với Covid-19 sau khi được xác nhận âm tính và ra viện vào ngày 16 – 4.
1. Xét nghiệm lúc âm lúc dương, tại sao?
Có tới 03 kết quả xét nghiệm khác nhau liên quan đến ca nhiễm số 188 chỉ trong vòng 04 ngày. Ngày 16 – 4, sau 02 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp, bệnh nhân đã đủ tiêu chuẩn được xuất viện. Ngày 17 – 4 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho khan kèm tức ngực, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã ngay lập tức lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính. Đến ngày 20 – 4, sau khi xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lại cho kết quả âm tính.
Bên cạnh đó, có rất nhiều người đã vất vả “chạy theo” kết quả của bệnh nhân 188 khi lúc âm tính, lúc lại dương tính rồi lại âm tính. Khiến chồng, con bệnh nhân (thuộc diện F1) đã ngay lập tức phải đi cách ly tập trung. Cơ quan y tế cũng đã kịp thời tổ chức phun khử khuẩn tại các khu vực lân cận và gia đình bệnh nhân 03 lần. Bên cạnh đó, có đến 10 người có tiếp xúc gần trường hợp F1 cũng đã phải đi cách ly.
Sau trường hợp của bệnh nhân số 22 quốc tịch Anh, đây là ca bệnh thứ 02 có kết quả xét nghiệm liên tục thay đổi trong khoảng thời gian ngắn.
Theo đó, bệnh nhân số 22 điều trị tại Đà Nẵng đã được xuất viện, khi đến TP.HCM để về nước thì xét nghiệm cho kết quả dương tính. Sau đó, khi bệnh nhân về đến Anh, xét nghiệm lại thì cho kết quả âm tính, khiến mọi lo lắng của những người tiếp xúc gần phần nào được nguôi ngoai.
Sáng ngày 20 – 4, Thứ trưởng Bộ Y Nguyễn Trường Sơn tế cho rằng, cho ra 02 kết quả xét nghiệm khác nhau trong thời gian ngắn của cùng một bệnh nhân có thể liên quan đến năng lực xét nghiệm của các cán bộ. Hoặc trong trường hợp một đơn vị phải làm xét nghiệm số lượng lớn bệnh phẩm cùng một lúc cũng sẽ gây nên những sai sót.
Sau trường hợp của bệnh nhân số 22, Bộ Y tế cũng đã ngay lập tức họp lại với các viện đầu ngành. Sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu ra quan điểm rằng, kỹ thuật lấy mẫu, thời gian lấy mẫu và vận chuyển mẫu cũng là nguyên nhân gây lây nhiễm chéo các mẫu bệnh phẩm, ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm.

2. Xuất hiện âm tính giả
Bác sĩ H, người đã tham gia lấy mẫu bệnh phẩm gần đây cho biết, do que lấy mẫu (dạng tăm bông, phần đầu mềm, đủ rộng và dài) tuy chỉ là vật liệu rất nhỏ trong quy trình lấy mẫu, nhưng hiện đang dần cạn kiệt nguồn hàng.
Việc sử dụng loại que thay thế đang bị bệnh nhân phản hồi rằng rất cứng và đau. Bởi vậy, các cán bộ lấy mẫu không thu được đủ dịch tị hầu, hoặc cán bộ chỉ lấy mẫu dịch họng, không lấy dịch tị hầu theo hướng dẫn 01 trong 02 vị trí lấy mẫu theo quy định.
“Việc không lấy mẫu bệnh phẩm đúng quy trình hoặc lấy không đủ dịch tị hầu có thể cho ra kết quả xét nghiệm sai lệch, dẫn đến âm tính giả. Điều này nguy hiểm hơn là dương tính giả, bởi xét nghiệm dương tính với Covid-19 sẽ cần xét nghiệm lại lần 02 để khẳng định và phải được Bộ Y tế công nhận. Nhưng âm tính giả gây hậu quả nghiêm trọng hơn bởi sẽ không cần xét nghiệm lại lần 02, dẫn đến bỏ sót đối tượng nhiễm bệnh” – bác sĩ chia sẻ.

Một chuyên gia của ngành y tế cũng chia sẻ, sau khi xem qua clip đăng tải trên mạng Internet về việc lấy mẫu xét nghiệm. Ông cảm thấy chưa yên tâm và khá lo lắng, do toàn bộ kết quả xét nghiệm đều phụ thuộc lớn vào quy trình lấy mẫu bệnh phẩm có chất lượng hay không.
Bác sĩ H nói thêm, nguyên nhân dẫn đến âm tính giả đến từ việc bệnh nhân nhiễm virus corona nhưng không có virus ở vị trí lấy mẫu, tăm bông quẹt không đúng vị trí, thao tác lấy mẫu không chuẩn, dụng cụ không đảm bảo chất lượng, thời gian quẹt không đủ lâu.
Dụng cụ lấy mẫu không đạt chất lượng có chứa các chất phản ứng, ức chế PCR, dẫn tới kết quả âm tính. Cùng với đó, cũng có trường hợp mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm Covid-19 lan sang mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân khác trong quá trình xét nghiệm, vận chuyển và bảo quản, gây nên dương tính giả.
“Kể cả khi phương pháp xét nghiệm Realtime PCR nhạy 100% và đặc hiệu 100% thì vẫn có thể có kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả. Nhưng trong 02 tình huống này, âm tính giả nguy hiểm hơn bởi người có kết quả này được sàng lọc và bỏ qua xét nghiệm lần 02, khó ai biết được ai âm tính giả trong hàng trăm ngàn người đã được xét nghiệm” – bác sĩ H nói.