6 cách giảm thiểu rủi ro khi đầu tư BĐS vô cùng hiệu quả

Rủi ro là vấn đề quen thuộc đối với bất kỳ khoản đầu tư nào, và BĐS cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, do giá trị đầu tư của ngành này thường cao nên việc đánh giá để giảm thiểu rủi ro cần phải được ưu tiên trước khi quyết định xuống tiền.
Quản lý rủi ro trong quá trình đầu tư BĐS sẽ giúp các nhà đầu tư cá nhân tránh được tổn thất tài chính đáng kể. Vì vậy, những lưu ý sau đây sẽ giúp bạn đánh giá chính xác tình hình và giữ mọi rủi ro ở mức tối thiểu một cách hiệu quả.
1. Hiểu về tài chính cá nhân
Giống như mọi loại hình đầu tư khác, bạn không thể bước chân vào thị trường BĐS nếu không có một nguồn vốn sẵn có. Nếu bạn hiểu rõ mình đang có bao nhiêu tiền và bản thân có thể huy động thêm bao nhiêu, bạn sẽ có một khởi đầu tốt trong hành trình đầu tư BĐS.
Cụ thể, bạn cần nắm rõ quy mô nguồn vốn mà mình đang có như tiền mặt, tài khoản ngân hàng, tiền kỹ thuật số, tiền vay từ người thân hay các tổ chức tài chính,… để xác định phạm vi đầu tư phù hợp.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận với việc vay nợ để đầu tư BĐS. Bởi lẽ, đại dịch Covid-19 hoặc một sự kiện bất ngờ có thể khiến bạn không kịp trở tay. Điều đó dẫn đến việc bạn phải chấp nhận bán tháo hay tịch thu tài sản do không thể thanh toán các khoản nợ thế chấp.

2. Xác định thời cơ vàng
Đầu tư BĐS là một quá trình diễn ra theo từng giai đoạn. Vậy nên, việc biết khi nào cần xuống tiền hay từ bỏ sẽ quyết định thành công hoặc thất bại của nhà đầu tư. Quyết định đúng, bạn sẽ có một tài sản giá trị trong tương lai. Quyết định sai, bạn mất cả tiền và khả năng kiếm lời trong dài hạn.
Có không ít người đã nhầm về thời cơ đầu tư và xuống tiền khi thị trường BĐS dễ bị tổn thương nhất. Nếu tham gia vào thị trường quá muộn, cơ hội có thể sẽ trôi qua dù rủi ro ít hơn và an toàn hơn về mặt tài chính. Tuy nhiên, nếu đầu tư quá sớm với hy vọng có được lợi nhuận cao thì có thể đi kèm rủi ro vô cùng lớn.
Ngoài ra, khi vội vã quyết định mua một BĐS, bạn có thể vướng vào bẫy FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội) và quên đi các vấn đề pháp lý tiềm ẩn. Do đó, trước khi rút tiền thanh toán cho người bán, hãy lấy lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn về tính hợp pháp của BĐS hay các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng.

3. Giải bài toán vị trí
Vị trí hoặc mặt bằng là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần xem xét khi đầu tư vào BĐS. Nếu bạn chọn sai thì tốc độ sinh lời của khoản đầu tư có thể biến mất hoặc chậm hơn dự kiến.
Thông thường, BĐS ở các thành phố thương mại sôi động có khả năng sinh lời tốt hơn so với BĐS ở khu ngoại ô yên tĩnh hay các khu vực xa xôi. Đồng thời, các khu vực tập trung nhiều tiện ích và hạ tầng tốt như gần chợ, đường lớn, trường học, sân vận động, khu vui chơi giải trí,… sẽ thu hút một lượng lớn dân cư. Điều này khiến nhu cầu nhà ở tăng cao và mang lại lợi nhuận tốt hơn cho nhà đầu tư, dù với mục đích cho thuê hay bán sang tay.
Thực tế, nhu cầu nhà ở thường cao nhất ở các thành phố và thị trấn lớn. Đây là những nơi tiếp nhận làn sóng di cư từ nông thôn với nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu và thượng lưu chiếm tỷ lệ lớn trong thành phần dân cư. Điều này có thể mở ra cơ hội kiếm tiền cho các nhà đầu tư vào nhà ở hoặc BĐS thương mại.
Mặt khác, đầu tư vào các cộng đồng và thị trấn ở vùng xa hơn, ít tiện ích thương mại hơn sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn hơn. Do tỷ lệ người dân di cư cao, lợi nhuận tại các khu vực này thường thấp hoặc phải chờ đợi cơ hội phát triển trong thời gian dài.
Ngoài ra, các khu vực này có nền kinh tế kém đa dạng và mật độ dân số thấp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và dịch vụ, khiến giá trị các BĐS thương mại không cao.

4. Cân nhắc loại hình BĐS
Có nhiều loại hình BĐS khác nhau và mỗi loại đều có rủi ro riêng. Nhà ở (gồm nhà chung cư và nhà mặt đất), BĐS thương mại và đất nền là những loại hình chính.
BĐS thương mại thường phục vụ các nhà đầu tư muốn cho thuê để kiếm lời. Lợi nhuận từ BĐS thương mại có thể cao nhưng lại có thể bị ảnh hưởng nặng nề khi nền kinh tế đi xuống và phụ thuộc khá nhiều vào khách thuê.
Trong khi đó, nhà nhà mặt đất hay chung cư đòi hỏi trang bị các tiện ích tốt và có sự quản lý chặt chẽ nếu muốn duy trì lợi nhuận và nguồn khách hàng chất lượng.
5. Quy hoạch, thiết kế và quản lý phù hợp
Việc lựa chọn BĐS có đủ các chức năng cơ bản sẽ giảm thiểu những rủi ro trong đầu tư khá đáng kể. Một BĐS tốt phải được quy hoạch bài bản trong một khu vực có tiện ích và hạ tầng phát triển. Đồng thời, chúng phải được thiết kế hiện đại và bền vững, được xây dựng tốt, quản lý bài bản, trang bị các công cụ, nội thất tiện nghi cho mục đích cho thuê hoặc để ở.
Mặc dù những yếu tố này có thể không có tác động ngay lập tức đến sự phát triển và khả năng sinh lời của BĐS, nhưng chúng lại có ảnh hưởng dài hạn đến giá trị của BĐS và giảm các chi phí của chủ sở hữu như bảo trì và sửa chữa.

6. Tìm hiểu kỹ lưỡng và kiên nhẫn chờ đợi, đặc biệt là khi đầu tư vào các thị trường chưa phát triển
Lời khuyên này có vẻ trái ngược với những điều bạn đọc ở trên. Tuy nhiên, nó lại rất hữu ích và có thể mang lại có hội sinh lời cao cho những người có kiến thức tốt và hiểu biết sâu sắc về thị trường BĐS.
Trong khi đầu tư tại các trung tâm kinh tế được ưa thích và mang lại cơ hội rõ ràng hơn, thì chúng cũng đòi hỏi nguồn vốn chủ sở hữu ban đầu cao hơn. Còn tại các thị trường xa, kém phát triển hơn như các thành phố cấp 02 và cấp 03, bạn lại có quyền lựa chọn nhiều BĐS hơn với mức giá mềm hơn. Đồng thời, bạn cũng không phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà đầu tư khác.
Tuy vậy, trước khi quyết định đầu tư theo hướng này, bạn sẽ phải kiên nhẫn đợi các khu vực này phát triển hơn. Chẳng hạn như phát triển các tiện ích, mở rộng cơ sở hạ tầng và giao thông hay các dự án lớn xuất hiện. Khi đó, lợi nhuận từ khoản đầu tư chắc chắn sẽ khiến bạn vô cùng hài lòng.