5 “KHÔNG” sau giãn cách xã hội để tránh quay lại điểm xuất phát

Khi một số quốc gia, trong đó có Việt Nam đang dần nới lỏng lệnh hạn chế đi lại. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo “Hãy tin rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới. Chúng ta cần cố gắng ngăn chặn thảm kịch bởi đây là loại virus còn nhiều ẩn số”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay.
1. Kết thúc cách ly không phải là chấm dứt cuộc chiến với Covid-19
Sau khi kiểm soát số ca nhiễm mới, một số quốc gia châu Âu và châu Á đã bắt đầu xem xét nới lỏng lệnh giãn cách xã hội. Với tỷ lệ tử vong giảm, Đức đã cho phép các cửa hàng nhỏ hoạt động trở lại ở một số khu vực. Trong khi đó, nhiều người Mỹ đã xuống đường biểu tình đòi quay về với cuộc sống bình thường, sau khi bất mãn với việc phải ở nhà quá lâu.
Tại Singapore, quốc gia từng được lấy làm “hình mẫu” của Đông Nam Á về công tác kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng thời gian đầu, virus cũng bắt đầu bùng phát ở một số khu nhà ở có lao động đông đúc.
Người đứng đầu WHO không nêu rõ lý do vì sao ông tin rằng Covid-19 có thể trở nên tồi tệ hơn. Song ông cũng từng so sánh Covid-19 với đại dịch cúm Tây Ban Nha hơn một thế kỷ trước, cho rằng mức độ nguy hiểm của chúng là tương đương.
Tổng giám đốc Tedros gọi Covid-19 là “Kẻ thù số một của cộng đồng” và nói: “Chúng tôi đã cảnh báo từ những ngày đầu, rằng đây là ‘con quỷ’ mà ai cũng phải chống lại”.
Ông Takeshi Kasai – Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cũng cho rằng, việc nới lỏng lệnh hạn chế cần được thực hiện từng bước để tránh nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Theo ông, cho đến khi các nhà khoa học phát triển thành công vaccine an toàn và hiệu quả, người dân các nước cần thích ứng với hoàn cảnh và làm quen với lối sống mới.

2. Biến 5 “KHÔNG” thành một thói quen
Lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội sẽ được nới lỏng ở nhiều quốc gia khi thời tiết có dấu hiệu ấm lên và kiểm soát được số ca nhiễm. Có đến hàng triệu người đang trong cảm giác háo hức, muốn nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường, được ăn mừng, đi mua sắm, du lịch,…
Tuy nhiên, đây có thể chỉ là trong tưởng tượng của nhiều người. Thực tế, dù nới lỏng giãn cách xã hội thì số ca tử vong, mức độ lây nhiễm từ Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn ra.
Để không phải quay trở lại điểm xuất phát và tiếp tục “gồng mình” chống dịch. Mỗi mỗi địa phương đã có những biện pháp khác nhau sau khi có lệnh nới lỏng cách ly. Song, chắc chắn có 05 điều dưới đây ai cũng nên tự ý thức và nắm rõ để bảo vệ bản thân và cộng đồng trước “kẻ thù không đao” Covid-19 như:
a, Không nên lập tức tụ tập hay tổ chức tiệc ăn mừng
Không phải ngẫu nhiên mà các biện pháp cách ly xã hội được đưa ra và triển khai ngay lập tức. Bởi nó có hiệu quả và làm chậm quá trình lây lan của virus.
Tổ chức một bữa tiệc ăn mừng tại gia, hoặc chen chúc ở hàng quán có thể tạo thành một ổ dịch mới, do mọi người đều tiếp xúc với nhau trong cùng một không gian. Tình huống xấu nhất là có một ai đó đang ủ bệnh (F0) và lây cho người khác (F1), sau đó F1 lây cho F2, F2 lây cho F3,… và tạo thành hiệu ứng “virus domino”.
Nếu bạn vẫn còn nhớ đến “cuộc đua tốc độ” với ổ dịch tại quán bar Buddha (P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM), thì chắc hẳn bạn sẽ chưa sẵn sàng cho những buổi tiệc. Rất nhiều ổ dịch khác được hình thành trên thế giới với tốc độ lây lan nhanh và rộng, nguy cơ tiềm ẩn từ “một chuỗi lây truyền bệnh” từ các buổi tụ tập có thể khiến cuộc chiến chống dịch quay trở lại điểm bắt đầu.

b, Không được dừng việc rửa tay thường xuyên
Đại dịch Covid-19 đã đè một sức nặng lớn lên nền kinh tế toàn cầu, và đây là một trong những lý do cần sớm nới lỏng cách ly xã hội để khôi phục lại kinh tế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa với việc đã “sạch bóng” dịch và người dân buông lỏng việc rửa tay thường xuyên.
Cần duy trì việc rửa tay kỹ qua 06 bước đã được hướng dẫn sau mỗi lần tiếp xúc với các bề mặt công cộng. Trong tương lai, dù không còn dịch nhưng người dân cũng không nên lơ là trong việc vệ sinh và chăm sóc bản thân, mà hãy biến đây thành một thói quen hàng ngày để tránh các bệnh truyền nhiễm khác.

c, Không lập tức đến thăm người thân có nguy cơ cao bị lây nhiễm
Tuy không ít người đang mong kết thúc dịch để được ra ngoài thoải mái gặp gỡ người thân, họ hàng. Nhưng đây có lẽ là bất lợi lớn cho những người đang ốm đau, người lớn tuổi, người miễn dịch kém. Bởi một khi bị nhiễm bệnh, họ sẽ là đối tượng chịu tổn thương cao hơn so với người khỏe mạnh.
Nếu bạn là người nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm, sau khi hết tự cách ly 14 ngày, 24 ngày cũng không nên vội vàng đến chào hỏi họ hàng, người thân. Bởi có rất nhiều trường hợp ủ bệnh lâu hơn dự tính, hoặc nhiễm virus nhưng không có triệu chứng phát bệnh, đây được coi là những “quả bom nổ chậm” vô cùng nguy hiểm.
Có thể mất cả năm hoặc một thời gian dài nữa để vaccine ngừa Covid-19 được đưa vào thực tế. Trong thời gian này, bất kỳ ai cũng nên cảnh giác cao độ, không được gặp những người có nguy cơ cao dê bị lây nhiễm.
d, Không vội đi du lịch nước ngoài
Covid-19 biến thành đại dịch nhờ một phần vào việc di chuyển quốc tế liên tục của người dân, khiến việc lây truyền từ người này sang người khác diễn ra rất nhanh và rộng.
Việc đi du lịch nước ngoài trong thời điểm này không khác gì “rước họa vào thân” nếu chẳng may đến địa điểm có nguy cơ bùng dịch. Rơi vào trường hợp đó, bạn sẽ phải đối mặt với bị việc bị cách ly ở một đất nước xa lạ, thậm chí có nguy cơ lây nhiễm cao.

e, Không nên “chia tay” khẩu trang
Mỹ và Châu Âu từng cho rằng khẩu trang chỉ nên dùng cho người bệnh và nhân viên y tế. Nhưng hậu quả đã đến ngay sau đó và bắt họ phải thay đổi suy nghĩ.
Tuy đã nới lỏng việc đi lại, nhưng nhiều nơi khuyến cáo tất cả người dân phải đeo khẩu trang, tránh xảy ra một đợt tái bùng phát dịch mới khi kinh tế – xã hội vẫn đang “chịu đau”. Do đó, dù hết giãn cách xã hội, chắc chắn bạn cũng đừng nên “chia tay” khẩu trang mà hãy giữ thói quen đeo khẩu trang đúng cách để bảo vệ bản thân và cộng đồng.