5 điều doanh nghiệp cần làm khi tái sản xuất sau dịch Covid-19

Chỉ trong vài tháng, dịch bệnh do Covid-19 gây ra đã lan rộng trên khắp thế giới, dẫn đến sự xáo trộn kinh tế – xã hội ở nhiều quốc gia. Trong giai đoạn này, khó có thể đưa ra dự đoán cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài bao lâu và tiếp tục tác động lên nền kinh tế tư nhân như thế nào.
Sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng vào ngày 23/4, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào tái hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các đơn vị cần lưu ý những gì để tránh bùng phát dịch đợt 3?
1. Vấn đề an toàn cho người lao động cần đặt lên hàng đầu
Việc ưu tiên vấn đề an toàn cho đội ngũ nhân viên và người lao động cũng chính là cách để doanh nghiệp có thể hoạt động liên tục. Một công nhân bị nhiễm bệnh có thể gây nên hiệu ứng dây chuyền, dẫn đến cả một cơ sở phải đóng cửa, thậm chí là cả một vùng dân cư bị phong tỏa.
Để tránh được những sự cố bùng phát không đáng có, doanh nghiệp nên tiến hành đánh giá kỹ lượng các trường hợp rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, áp dụng song song các biện pháp kiểm soát kỹ thuật và hành chính phù hợp và cung cấp các thiết bị bảo hộ cá nhân để tránh việc lây nhiễm.
Cùng với đó, hãy hướng dẫn người lao động sử dụng các ứng dụng theo dõi sức khỏe của Bộ y tế ban hành để nâng cao trách nhiệm của toàn bộ nhân viên. Thường xuyên theo dõi, đánh giá và điều chỉnh các quy trình vận hành an toàn hiện có, đào tạo nhân viên về cách bảo vệ bản thân và những người xung quanh, bao gồm cả việc sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động, vật dụng phòng chống dịch đúng cách.

2. Truyền đạt thông tin rõ ràng và biết lắng nghe ý kiến phản hồi
Theo khảo sát, 61% doanh nghiệp báo cáo rằng, chỉ có 60 – 80% người lao động quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Công nhân viên nghỉ việc do phải ở nhà chăm sóc con cái khi trường học đóng cửa hoặc lo sợ bị lây nhiễm. Do đó, việc truyền tải thông tin chính xác, nhất quán và thiết thực là chìa khóa để giữ niềm tin của nhân viên.
Lực lượng lao động cần được biết rằng chế độ phúc lợi của họ luôn được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu. Hãy thường xuyên thăm hỏi nhân viên về những lo lắng của họ và đón nhận những ý kiến đó để có thể đưa ra các biện pháp thiết thực giúp bảo toàn lực lượng lao động và hoạt động kinh tế bền vững.
3. Quản lý và thiết lập lại dòng tiền kinh doanh
Dữ liệu khảo sát cho thấy, 59% doanh nghiệp bị giảm đơn đặt hàng sau Tết. 96% doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng và phải chịu gánh nặng về lãi suất và thời gian trả nợ, khiến doanh thu luôn trong trạng thái âm.
Một số khách hàng, đối tác có thể sẽ chậm trả hoặc không thể thanh toán tiền hàng. Vậy, doanh nghiệp cần làm gì để “nâng cấp” dòng tiền vốn?
Đầu tiên, tính toán tất cả các chi phí biến đổi và chi phí cố định, sau đó ước lượng thời gian tồn tại của doanh nghiệp với khoản tiền mặt dự trữ và xoay chuyển chi phí cố định thành chi phí biến đổi nếu có thể.
Đồng thời, hãy điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư và ưu tiên cho những mô hình đầu tư dễ cắt giảm vốn khi cần thiết. Có thể do gián đoạn chuỗi cung ứng nên nhiều doanh nghiệp đang cần thêm nguyên vật liệu, nhưng cũng không nên để quá nhiều vốn bị “chôn” tại đây. Do đó, hãy tập trung vào quản lý nguyên vật liệu tồn kho và linh hoạt nguồn hàng đầu vào.
Cùng với đó, hãy thảo luận về các phương án tài chính thay thế và tiến độ thanh toán với các nhà cung cấp nguyên vật liệu.

4. Nhìn nhận lại thị trường chuỗi cung ứng
Theo nhiều khảo sát, có khoảng 73% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Trong đó có tình trạng nhập về nguyên vật liệu đầu vào với thời gian khá lâu, khiến nguồn hàng thiếu hụt dần, đẩy giá thành tăng cao.
Trong khi tình hình dịch bệnh ở các quốc gia Châu Á đã được kiểm soát, Covid-19 vẫn đang hoành hành tại Mỹ và các nước châu Âu, khiến các doanh nghiệp có nguồn cung ứng từ các nước này sẽ sớm phải đối mặt với chuỗi cung ứng bị đình trệ hoặc gián đoạn. Từ đây, doanh nghiệp sẽ tìm ra được các lỗ hổng tiềm ẩn nếu nắm rõ về hoạt động cung ứng của mình.
Hãy bắt đầu với các sản phẩm chủ lực và đừng bó buộc mình với các nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2. Việc tìm thêm nhà cung cấp mới với nguồn cung đảm bảo có thể giúp doanh nghiệp giảm nguy cơ hao hụt nguyên liệu đầu vào.
5. Đánh giá kế hoạch xử lý khủng hoảng, đảm bảo kinh doanh không bị gián đoạn trong tương lai
Một doanh nghiệp hoạt động tốt đều được đánh giá là có một mô hình xử lý khủng hoảng hiệu quả. Chắc chắn có rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng kế hoạch này, nhưng đây có lẽ là thời điểm thích hợp để thường xuyên điều chỉnh mô hình và lên phương án ứng phó trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Lên kế hoạch khung kịch bản sẵn có sẽ giúp doanh nghiệp hiểu hơn về các chiều hướng tăng trưởng và đưa ra các cách giải quyết phù hợp. Hãy đưa thêm hình thức thông báo khẩn vào kế hoạch để đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn. Cần quy định rõ ràng ai sẽ là người truyền đạt, truyền đạt nội dung gì, bằng cách nào và tới ai khi khủng hoảng tiếp tục nổ ra.