10 xu hướng BĐS cần lưu ý trong quý 4 năm 2021

Covid-19 đã tác động không nhỏ đến ngành kinh tế nói chung và bất động sản (BĐS) nói riêng. Đại dịch đã làm thay đổi mạnh mẽ ngành BĐS, không chỉ ở cách nhiều người xem nhà, mà còn ở giá cả, nhu cầu và xu hướng tổng thể.
Dưới đây là 10 xu hướng thị trường BĐS dành cho nhà đầu tư trong quý 4/2021.
1. Người thuê nhà rời khỏi thành thị
Trước đây, các khu đô thị thường là nơi hút khách và có giá thuê cao nhất. Các nhà đầu tư đổ xô mua BĐS ở những khu vực này với hy vọng thu được tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy nhiên, vào năm 2021, xu hướng đã hoàn toàn thay đổi.
Giờ đây, mọi người đều muốn có nhiều không gian hơn khi dành khá nhiều thời gian ở nhà do giãn cách. Vì vậy, hầu hết người dân muốn chuyển ra sinh sống tại ngoại ô.
Xu hướng này cũng sẽ tăng trưởng nhanh do hàng triệu người sẽ tiếp tục làm việc từ xa. Trước đây, nhiều người chọn nhà ở trung tâm thành thị vì không muốn mất quá nhiều thời gian di chuyển. Còn hiện nay, việc quãng đường đi làm không phải là vấn đề. Điều đó có nghĩa là nhiều người có thể sống ở các khu vực ngoại ô rộng rãi hơn mà vẫn đáp ứng công việc.

2. Nhà mới xây ít hơn
Mặc dù nhu cầu cao và nguồn cung thấp, song xây dựng nhà mới vẫn bị ảnh hưởng bởi thiếu lao động và chi phí vật liệu cao ngất ngưởng.
Chi phí quá cao dẫn đến giá bán nhà bị đội lên, tạo áp lực cho chủ đầu tư và người mua trả góp. Tuy nhiên, điều này lại tạo ra nhiều cơ hội cho những nhà đầu tư cho thuê, nhất là hình thức cho thuê linh hoạt.
3. Lãi suất vẫn ở mức thấp
Nhiều quốc gia tiếp tục chứng kiến mức lãi suất vay thế chấp và lãi suất điều hành thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Điều này khiến việc đầu tư vào BĐS ở thời điểm hiện tại là vô cùng hợp lý (với những người có nền tảng tài chính tốt).
Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong tương lai gần. Bởi lẽ, các chuyên gia cho rằng, tỷ giá sẽ không tăng, ít nhất là đến năm 2022. Điều này khiến các nhà đầu tư có nhiều cơ hội mua BĐS hơn.
Với lãi suất thấp, người giỏi nắm bắt có thể vay mua nhà để ở hoặc đầu tư với mức thanh toán hàng tháng thấp hơn.

4. Các chương trình kích thích của Chính phủ tiếp tục hỗ trợ người thuê nhà
Bất chấp nền kinh tế hồi phục trở lại, hàng triệu người vẫn thất nghiệp. Điều này không phải tín hiệu tốt cho việc kinh doanh của người cho thuê nhà.
Tuy nhiên, thời gian tới, những người thuê nhà sẽ vẫn được các gói kích thích kinh tế của Chính phủ trợ giúp và không bị trục xuất ra khỏi nhà.
5. Nhiều người không đủ khả năng mua nhà
Trong khi mức thu nhập vẫn trì trệ, thì giá nhà vẫn tăng do nhu cầu cao hơn. Cuộc chiến trả giá nhà giữa những người mua ngày càng đẩy giá lên cao. Điều này khiến nhiều người có nhu cầu ở thực nhưng thu nhập thấp bị đẩy khỏi thị trường.
6. Giá nhà tăng nhanh hơn mức lương
Tốc độ tăng giá nhà so với tốc độ tăng lương đang khá khập khiễng. Một số nơi tại Mỹ có mức tăng giá nhà nhanh hơn mức tăng lương bao gồm Los Angeles, San Diego, Harris và Orange County.
Tại Việt Nam, người dân ở TP.HCM và Hà Nội có thể mất tới 30 năm mới tích lũy đủ tiền mua một căn hộ tầm trung. Điều này tiếp tục mở ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư cho thuê. Bởi lẽ, sẽ có nhiều người vẫn phải đi thuê nhà thay vì sở hữu nhà.

7. Cơn sốt nhà ở hạ nhiệt dù chậm
Nhu cầu mua cao khiến nhiều người rơi vào tình trạng bế tắc khi cố gắng tìm nhà ở giá cả phải chăng. Còn thị trường nhà ở thì không ngừng tăng giá và không đủ nhà giá rẻ. Giá càng cao thì càng nhiều người bị out khỏi thị trường và làm cơn sốt hạ nhiệt dần.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang được điều tiết tương đối bởi các chính sách điều hành của các Chính phủ trong việc kiểm soát giá nhà đang ngày càng chặt chẽ.
8. Khách hàng chuộng nhà nhỏ
Mọi người đều muốn mua một ngôi nhà diện tích lớn để có không gian sống thoải mái hơn. Tuy vậy, không phải ai cũng đủ nguồn tài chính để làm điều này.
Những ngôi nhà rộng lớn không chỉ tốn một khoản chi phí tương đối, mà còn đòi hỏi ngân sách dành cho bảo trì, trang trí nội thất và nhiều khoản tiền khác đi kèm. Vì vậy, nhiều người sẽ tìm mua những ngôi nhà có diện tích nhỏ hơn.

9. Nhà bán chậm hơn so với cơn sốt trước đó
Khi các quốc gia dần mở cửa và dỡ bỏ các lệnh hạn chế, cơn sốt nhà ở sẽ hạ nhiệt. Điều này khiến thời gian bán một ngôi nhà chậm hơn so với thời điểm diễn ra cơn sốt trong đại dịch.
Nhờ đó, người mua có nhiều cơ hội hơn để thương lượng với người bán, đặc biệt là những căn nhà có giá tốt trên thị trường.
10. Cho thuê ngắn hạn và staycation tăng
Khi đại dịch được kiểm soát, mọi người sẽ dần đi du lịch trở lại. Tuy nhiên, để an toàn, họ sẽ lựa chọn thuê ngắn hạn thay vì thuê nhà nghỉ hay khách sạn như trước đây. Điều này có nghĩa là các khu nghỉ dưỡng nằm biệt lập và các BĐS độc lập nằm ven đô sẽ trở nên đắt khách hơn bao giờ hết.